Giả thuyết này được đưa ra sau khi các nhà khoa học tuyên bố vừa tìm thấy bằng chứng trong một thiên thạch mặt trăng cho thấy có thể có nước trên bề mặt ''Chị Hằng''.
Theo trang phys.org, phát hiện mới do nhóm nghiên cứu từ ĐH Tohoku, Nhật Bản công bố trên trang khoa học Science Advances.
Theo đó, họ đã tìm ra dấu vết của một khoáng vật hiếm gọi là moganite trong một thiên thạch mặt trăng được tìm thấy 13 năm trước ở tây bắc châu Phi.
Mảnh thiên thạch mặt trăng có chứa moganite - (Ảnh: SASAMI-GEO-SCIENCE).
Mogamite là một tinh thể tương tự thạch anh, được hình thành nhờ sự bay hơi của nước. Do vậy sự hiện diện của nó trong thiên thạch mặt trăng được tin là bằng chứng mới cho thấy có nước đóng băng dưới bề mặt của mặt trăng.
Giới khoa học vốn tin rằng nước tồn tại ở cực bắc và cực nam của mặt trăng. Nhưng phát hiện mới nói trên đã gieo hi vọng rằng có thể nước đóng băng tồn tại bên dưới nhiều khu vực trên mặt trăng.
Theo nhóm nghiên cứu Nhật Bản, họ tin moganite hình thành ở một khu vực được gọi là Procellarum Terrane trên mặt trăng, và nước có thể đã tồn tại từ rất lâu trước khi bị bốc hơi do ánh mặt trời gay gắt.
Nhưng có thể lớp nước ẩn bên dưới bề mặt của mặt trăng vẫn chưa bay hơi nhờ được bảo vệ khỏi ánh sáng mặt trời mạnh.
"Lần đầu tiên, chúng tôi có thể chứng minh rằng có nước đá trong vật liệu mặt trăng", Masahiro Kayama, người đứng đầu nghiên cứu, nói với Space.com.
Kayama tin rằng nước có thể đã được các tiểu hành tinh và sao chổi mang đến mặt trăng khoảng 3 tỉ năm trước.
Sau đó, trong một thời gian ngắn, nước có thể đã tồn tại trên bề mặt mặt trăng trước khi thấm xuống dưới.
Trưởng nhóm nghiên cứu cũng tin rằng nhiều năm sau đó, một sao chổi có thể đã va chạm mặt trăng, làm các thiên thạch mặt trăng bắn vào vũ trụ và sau đó rơi xuống mặt đất.