Các nhà khoa học hy vọng sẽ sớm được chứng kiến cảnh siêu lỗ đen trong thiên hà của chúng ta "nuốt chửng" đám mây khí khổng lồ đang tiến về phía lỗ đen.
>>> Phát hiện hố đen lớn nhất từ trước tới nay
Bình thường, siêu lỗ đen Sagittarius A*, nằm ở trung tâm thiên hà của chúng ta là một "gã khổng lồ ngủ say", nhưng các nhà khoa học phỏng đoán quái vật khổng lồ này chuẩn bị thức giấc và sẽ "nuốt chửng" một đám mây khí có đường kính gấp 3 lần Trái đất.
Hình ảnh mô phỏng đám mây bị hút về phía lỗ đen Sagittarius A*.
Sử dụng kính thiên văn VLT tại đài quan sát Southern của châu Âu ở Chile, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện thấy đám mây đang tiến rất nhanh về phía lỗ đen Sagittarius A*. Trên thực thế, đám mây đã bắt đầu bị tách thành nhiều mảng do lực hấp dẫn của siêu lỗ đen.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán năm 2013, đám mây sẽ lọt vào và bị "giam cầm" tại "dạ dày" của lỗ đen. Sự kiện này sẽ tạo ra một vệt sáng tại trung tâm của siêu lỗ đen Sagittarius A*.
“Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta có thể chứng kiến một lỗ đen ăn như thế nào. Đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị”, tiến sĩ Stefan Gillessen, thuộc Viện nghiên cứu vật lý không gian Max Planck (Đức) và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên National Geographic.
Tiến sĩ Gillessen cũng cho biết "bữa ăn" này có khả năng kéo dài trong khoảng 10 năm. Nhờ đó, các nhà thiên văn học có nhiều thời gian nghiên cứu điều gì đang xảy ra xung quanh khi "gã khổng lồ" nạp năng lượng.
Siêu lỗ đen Sagittarius A* có kích thước lớn gấp 40 triệu lần Mặt trời. Mặc dù không thể nhìn thấy lỗ đen Sagittarius A*, các nhà thiên văn học có thể nhận thấy ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của nó đối với các ngôi sao xung quanh.
Với lực hấp dẫn cực mạnh, siêu lỗ đen Sagittarius A* có thể hút và "nuốt chửng" các ngôi sao, tinh vân và thậm chí cả Hệ mặt trời ở gần nó. Tuy vậy, lực hấp dẫn của lỗ đen Sagittarius A* vẫn tương đối yếu so với lực hấp dẫn của lỗ đen trong các thiên hà khác.