Mặt Trăng từng tồn tại khí quyển đậm đặc

Nghiên cứu mới cho thấy Mặt Trăng từng có một bầu khí quyển dày cách đây vài tỷ năm nhờ hoạt động phun trào núi lửa.

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện trên Mặt Trăng từng tồn tại bầu khí quyển cách đây khoảng 3–4 tỷ năm, Futurism hôm 7/10 đưa tin. Khí quyển này hình thành khi các núi lửa phun trào và đẩy chất khí lên nhanh đến nỗi chúng chưa kịp phân tán vào vũ trụ.

Bề mặt Mặt Trăng có rất nhiều vùng trũng chứa đầy đá núi lửa. Những vùng đá núi lửa này hình thành khi mắc ma bên dưới phun lên trên, tạo ra những dòng chảy dung nham.


Mặt Trăng từng được khí quyển bao phủ. (Ảnh: NASA MSFC).

Phi hành gia từ các nhiệm vụ Apollo của NASA từng mang một số mẫu vật từ các vùng đá núi lửa này về Trái Đất. Những phân tích trước đây cho thấy các dòng dung nham trên Mặt Trăng chứa CO, một số loại khí khác, lưu huỳnh, thậm chí các khối băng.

Tuy nhiên, nhóm khoa học Mỹ đã nghiên cứu sâu hơn những mẫu vật này và nhận thấy Mặt Trăng từng giữ được khí quyển một thời gian ngắn. Nhóm nghiên cứu sử dụng các mẫu vật để tính toán lượng khí bay lên và tích tụ thành khí quyển tạm thời. Họ phát hiện hoạt động núi lửa trên Mặt Trăng diễn ra mạnh mẽ nhất vào 3,5 tỷ năm trước, giúp bầu khí quyển trên thiên thể này đạt mức dày nhất.

Tuy nhiên, khí quyển Mặt Trăng chỉ hình thành và tồn tại khoảng 70 triệu năm trước khi biến mất vào không gian. Trong thời kỳ này, Mặt Trăng gần Trái Đất hơn tới ba lần, do đó nếu nhìn từ Trái Đất sẽ thấy Mặt Trăng lớn hơn nhiều.

Mặt Trăng hiện không còn khí quyển do thiếu từ trường và khối lượng đủ lớn để giữ khí quyển bao quanh, khác với Trái Đất. Khí quyển hình thành trên Mặt Trăng sẽ nhanh chóng bị gió Mặt Trời xua tan.

"Nghiên cứu đã thay đổi đáng kể quan niệm về Mặt Trăng, từ một thiên thể toàn đá và không có không khí thành nơi từng được khí quyển bao phủ còn nhiều hơn sao Hỏa ngày nay", nhà khoa học David Kring tại Hiệp hội Nghiên cứu Không gian các Trường đại học (USRA) cho biết.

Thông tin mới có ý nghĩa rất lớn với các phi hành gia cũng như nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng và thám hiểm vũ trụ trong tương lai. Nghiên cứu còn cho thấy, các chất bay hơi từ khí quyển có thể đọng lại gần các cực của Mặt Trăng trong những khu vực lạnh và tối. Nếu vậy, trên Mặt Trăng sẽ vẫn tồn tại băng để các phi hành gia tạo ra nước uống, sản xuất thức ăn và sử dụng cho các nhu cầu khác.

Băng và các chất bay hơi cô đọng cũng có thể cung cấp nhiên liệu và không khí cho những nhiệm vụ trên Mặt Trăng, thậm chí các nhiệm vụ không gian khác. Những tài nguyên sẵn có trên Mặt Trăng sẽ giúp con người tiết kiệm chi phí đáng kể vì không phải vận chuyển chúng từ Trái Đất lên vũ trụ nữa.

Cập nhật: 09/10/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video