Nhóm nhà thiên văn học quốc tế vừa tìm thấy bằng chứng đầu tiên về quá trình ngôi sao "ăn" chính các hành tinh của mình. Điều này có thể xảy ra tương tự với Trái đất, khi Mặt trời trở già và chết trong 5 tỉ năm tới.
Hình ảnh mô phỏng hành tinh, trái đất bị nuốt chửng bởi mặt trời già nua - (Ảnh: Daily Mail)
Các nhà thiên văn học quốc tế cho biết họ đã tìm thấy hành tinh khổng lồ có tên BD+48 740 nằm trong quỹ đạo elip của ngôi sao “già nua khổng lồ”. Ngôi sao này "già" hơn Mặt trời rất nhiều với bán kính gấp bảy lần bán kính mặt trời.
Khi sử dụng kính thiên văn học Hobby-Eberly dùng để nghiên cứu các ngôi sao già và tìm kiếm những hành tinh xung quanh nó, các nhà khoa học phát hiện thành phần hóa học của ngôi sao này có dấu hiệu khác thường.
Khi phân tích quang phổ, các chuyên gia cho biết thành phần hóa học của nó chứa lượng lithium cao bất thường. Lithium là thành phần được tạo ra chủ yếu từ vụ nổ Big Bang cách đây 14 tỉ năm và rất dễ bị phá hủy trong lòng ngôi sao.
Khi lượng lithium nhiều đột biến trong ngôi sao nói trên, các nhà khoa học biết rằng nơi đây có điều bất thường. Các nhà khoa học cho rằng lượng lithium này được tạo ra từ hành tinh bị “xoắn” vào ngôi sao. Lượng lithium càng lên cao khi ngôi sao già nua này bắt đầu “tiêu hóa” hành tinh “kém may mắn” đó.
Điều thứ hai đáng chú ý trong bằng chứng đó là quỹ đạo elip của hành tinh khổng lồ này bị bóp méo. Chỗ thắt lại của nó chỉ rộng hơn chỗ hẹp nhất của quỹ đạo sao Hỏa chút đỉnh, nhưng ở điểm xa nhất nó lại phình to rất nhiều. Đây có thể là một quỹ đạo lập dị nhất từ trước đến nay.
Các nhà khoa học tin rằng sự "ô nhiễm" lithium cao của ngôi sao do quá trình “nuốt chửng” hành tinh là lý do dẫn đến những cuộc mất tích trước đây của một số hành tinh trong vũ trụ.