Mẫu khí đầu tiên đem từ tiểu hành tinh khác về Trái đất

Các chuyên gia công bố kết quả phân tích mẫu khí của Ryugu, cho thấy tiểu hành tinh có thể đến từ khu vực xa xôi thuộc Hệ Mặt trời.

Ba nhóm chuyên gia quốc tế công bố nghiên cứu về các mẫu khí do tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa 2 mang về từ Ryugu, tiểu hành tinh gần Trái đất rộng khoảng 900 m, vào năm 2020, Phys hôm 24/10 đưa tin. Đây là những mẫu khí đầu tiên của một tiểu hành tinh được mang về Trái đất.


Tàu vũ trụ Hayabusa 2 chụp tiểu hành tinh Ryugu năm 2018. (Ảnh: ISAS/JAXA)

Nhóm đầu tiên nghiên cứu những phần dễ bay hơi và sự tiến hóa trên bề mặt của tiểu hành tinh trong thời gian gần đây, công bố kết quả trên tạp chí Science. Nhóm thứ hai xem xét tàn dư tổng hợp hạt nhân trong khi nhóm thứ ba cung cấp cái nhìn tổng quan về các loại khí mà tàu Hayabusa 2 mang về. Hai nhóm này công bố nghiên cứu trên tạp chí Science Advances.

Nhóm đầu tiên phát hiện, Ryugu vẫn có những đồng vị và khí hiếm từ thời sơ khai của Hệ Mặt trời, cùng với một hỗn hợp nitơ được mô tả là tương tự chondrite carbon loại Ivuna. Họ cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy một khí hiếm do gió Mặt trời tạo ra và một khí khác hình thành do sự chiếu xạ của các tia vũ trụ. Ngoài ra, họ còn phát hiện mối quan hệ gần giữa chondrite CI và khí từ Ryugu.

Nhóm thứ hai phát hiện một số mẫu vật từ Ryugu có các bất thường đồng vị Fe giống như trong các chondrite CI loại Ivuna. Họ cũng tìm thấy những đồng vị sắt hình thành ở nơi không có tiểu hành tinh carbon. Điều này cho thấy Ryugu có thể đến từ một vùng không gian thuộc Hệ Mặt trời xa xôi hơn so với những gì giới khoa học từng nghĩ. Nhóm nghiên cứu cho rằng tiểu hành tinh này có thể đến từ khu vực xa hơn quỹ đạo sao Thổ hoặc sao Mộc. Họ lưu ý, sự phát triển và đường di chuyển của các hành tinh khổng lồ này có thể khiến các vi thể hành tinh mất ổn định. Một số vi thể hành tinh đã đẩy vật chất vào vành đai tiểu hành tinh, có thể bao gồm cả Ryugu.

Nhóm thứ ba nhận dạng tất cả những khí được mang về Trái đất và đo lượng của mỗi khí. Họ phát hiện, một phần heli trong số mẫu vật bắt nguồn từ gió Mặt trời và một phần khác ngấm vào từ khí quyển Trái đất khi tàu Hayabusa 2 mang mẫu vật trở về.

Các tiểu hành tinh là công cụ vô cùng giá trị giúp giới thiên văn học tìm hiểu Hệ Mặt trời thời sơ khai. Nhiều nhà khoa học tin rằng các khối xây dựng sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ những thiên thạch từ nơi khác. Do đó, việc nghiên cứu thành phần của tiểu hành tinh có thể giúp con người hiểu thêm về cách sự sống xuất hiện trên Trái đất, thậm chí tìm kiếm những nơi có khả năng tồn tại sự sống.

Cập nhật: 28/10/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video