Máy bay hoạt động dưới nước

Một kỹ sư người Anh vừa thiết kế thành công loại tàu ngầm có cánh đầu tiên trên thế giới, hoạt động như một máy bay trong nước. Mỗi khi gặp nạn hoặc mất điện, nó sẽ tự động nổi lên mặt nước chứ không chìm xuống đáy. 

Mô hình tàu ngầm có cánh Super Falcon. Ảnh: Graham Hawkes.


Graham Hawkes, người sáng lập hãng Hawkes Ocean Technologies, cho biết sản phẩm do ông phát minh có thể lặn xuống độ sâu 450 mét và di chuyển với tốc độ hơn 11 km/h. Super Falcon, tên con tàu, thuộc họ tàu ngầm Deep Flight và là phiên bản tiên tiến nhất. Trước đó Hawkes đã chế tạo ba phiên bản của họ tàu ngầm này.

“Sau 20 năm thử nghiệm, Super Falcon là tàu ngầm hiện đại nhất và có kiểu dáng đẹp nhất của chúng tôi. Nó hội tụ tất cả những kỹ thuật mang tính đột phá trong lĩnh vực chế tạo phương tiện đi lại trên mặt nước và dưới đáy đại dương”, Hawkes phát biểu. 

Super Falcon có hai buồng lái độc lập với nhau. Ảnh: Graham Hawkes.


Tàu ngầm thông thường lấy nước vào thân để tăng trọng lượng mỗi khi lặn, nhưng Super Falcon không hoạt động theo nguyên lý ấy. Nó luôn nổi và chìm xuống bằng cách sử dụng đôi cánh có cấu trúc ngược so với cánh máy bay. Cặp cánh tạo ra lực đẩy hướng xuống dưới khi động cơ hoạt động, giống như máy bay sử dụng cánh lõm lên trên để tạo lực nâng. Super Falcon có thân bằng sợi carbon có khả năng chịu áp suất cao. Hawkes thiết kế hai buồng lái với hai hệ thống điều khiển độc lập. Trên tàu còn có các thiết bị, dụng cụ dành cho phi công lái máy bay quân sự. Một cặp pin cung cấp điện cho tàu. 

Super Falcon lặn xuống nhờ các cánh, chứ không hút nước vào trong thân như tàu ngầm thông thường. Ảnh: Graham Hawkes.


Super Falcon có thể lặn xuống với tốc độ 1 m/giây và ngoi lên với tốc độ 2 m/giây. Hành khách sẽ không phải lo lắng về sự thay đổi áp suất trong tàu hiện tượng khí ép, bởi áp suất trong cabin luôn được duy trì ổn định ở mức 1 atm. Super Falcon vận hành nhờ một máy tính và các tín hiệu điện, chứ không sử dụng dây cáp và các thanh kéo như nhiều tàu ngầm khác. Nó có thể lao vọt lên, xoay theo chiều dọc của thân, di chuyển theo góc chếch. Một van tiết lưu (van bướm) cho phép người lái điều chỉnh độ sâu. Tàu có thể “bay” theo quỹ đạo hình tròn hoặc đường thẳng.

“Nó đủ tiên tiến để lặn cùng cá heo, bật lên mặt nước cùng cá voi và tìm kiếm tàu đắm”, Hawkes khẳng định. Super Falcon còn có chế độ quay lại tự động, nghĩa là tàu sẽ tự động ngoi lên mặt nước nếu gặp sự cố. Lượng dưỡng khí trong tàu đủ dùng trong 24 giờ.

Mỗi chiếc Super Falcon được bán với giá 1,5 triệu USD.

Theo VnExpress (Daily Mail)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video