Máy gia tốc hạt lớn (LHC) lần đầu tiên hoạt động trở lại sau hai năm nâng cấp, mở đường cho hoạt động nghiên cứu vật chất tối.
Tái khởi động máy gia tốc hạt LHC
Các nhà khoa học thuộc tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân của Châu Âu (CERN) hôm 5/4 bắn hai chùm tia qua đường hầm có chu vi 27 km của máy gia tốc. Đây là lần đầu tiên Large Hadron Collider (LHC) khởi động kể từ năm 2013.
Máy gia tốc khởi động lại sau hai năm nâng cấp hệ thống và cải thiện kết nối. (Ảnh: CERN)
Theo CERN, máy gia tốc có thể tạo ra nguồn năng lượng nhiều gấp đôi và có các vụ va chạm hạt lớn hơn. Trong giai đoạn hoạt động kéo dài ba năm lần thứ hai của LHC, họ hy vọng nó sẽ hỗ trợ nghiên cứu vật lý, nguồn gốc của vật chất trong đó có vật chất tối.
"Chúng tôi sẽ có khoảng 6-8 tuần để thiết lập các vụ va chạm ổn định đầu tiên cho thí nghiệm", Fox News dẫn lời Joerg Wenninger, người điều phối hoạt động của máy gia tốc, cho hay.
LHC là máy gia tốc hạt lớn nhất và mạnh nhất thế giới do CERN xây dựng. LHC được chứa trong một đường hầm có chu vi 27 km, ở độ sâu 175 m so với mặt đất, tại một khu vực gần Geneva, Thụy Sĩ. Nơi này được thiết kế để thực hiện các thí nghiệm va chạm trực diện giữa các hạt proton. Bức xạ được sinh ra từ quá trình hoạt động của phòng thí nghiệm khổng lồ này sẽ không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào, vì nó được thiết kế với các lớp đá chắn dày xung quanh.
Thông qua thí nghiệm, các chuyên gia hy vọng có thể nghiên cứu sự hình thành của vũ trụ. Cơ chế dự đoán hạt Higgs, hay còn gọi là "hạt của Chúa", được phát hiện thông qua máy gia tốc hạt năm 2012.