Các nhà khoa học Mỹ vừa sáng chế thành công một hệ thống in ấn mới, có khả năng tạo ra những bức ảnh chân dung mà người mù có thể cảm nhận và "nhìn thấy" được.
Một bức ảnh chân dung và hình ảnh tương ứng, có thể sờ mó được của nó dành cho người mù.
(Ảnh: Discovery)
Hiện tại, nhiều phần mềm có khả năng đọc to mọi nội dung trực tuyến và các máy in tạo ra các chữ thuộc hệ thống Braille dành cho người mù và người khiếm thị. Tuy nhiên, không có một cách dễ dàng và nhanh chóng nào để tạo ra những hình ảnh có thể nhận diện được cho người mù.
"Hình ảnh khuôn mặt đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với con người trong đời sống xã hội và tình cảm của họ", Baoxin Li - Phó Giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính thuộc Đại học Arizona (ASU) đi đầu trong công nghệ phần mềm, phát biểu trên tạp chí Discovery.
Theo ông Li, ý tưởng máy in cho người mù được khơi nguồn cảm hứng từ một nhà nghiên cứu khiếm thị tại trường ASU, người mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin đồ họa. Biến tất cả các đồ họa kỹ thuật số trở thành "nhìn được" với người mù thực sự là một thách thức quá lớn, do đó, ông Li và các cộng sự đã tập trung vào các bức ảnh cá nhân. Họ đã phải tìm sự cân bằng thông tin hợp lý để người mù có thể nhận ra đúng người trong ảnh.
"Chúng tôi chuyển đổi bức ảnh sao cho các đặc điểm nổi bật chính trên khuôn mặt được giữ lại. Điều đó là rất quan trọng vì chúng ta không thể diễn tả mọi đặc điểm ở dạng sờ mó được. Nó sẽ làm rối rắm, gây mất phương hướng", ông Li nhấn mạnh.
Thay vào đó, nhóm nghiên cứu sử dụng một thuật toán cắt tỉa thông tin quan trọng trên khuôn mặt mà không quá đơn giản hóa nó. Phần mềm của họ cho phép người sử dụng bị mù có thể chụp một khuôn mặt, đưa ảnh vào phần mềm ứng dụng máy tính và tự động tạo ra một hình ảnh in được mới. Hình ảnh này được máy in đặc biệt cho người khiếm thị in ra với các đường nét nổi theo những đặc điểm khuôn mặt.
Ông Li cho biết, hiện tại, quá trình in ảnh trên chỉ diễn ra trong vòng 1 phút nhưng nhóm nghiên cứu vẫn có thể cải tiến công nghệ để rút ngắn thời gian này.