Mây ngũ sắc ở TP.HCM: Dấu hiệu thời tiết bất thường, dự báo mưa to?

Chiều 12-5, bầu trời TP.HCM xuất hiện mây ngũ sắc trong thời gian dài. Nhiều người thích thú, nhưng cũng có người lo lắng liệu đây có phải là dấu hiệu của thời tiết bất thường.

Trao đổi với PV sáng 13-5, ông Lê Đình Quyết - trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết hiện tượng mây ngũ sắc trong khí tượng xếp vào quang hiện tượng.


Hiện tượng mây ngũ sắc như dải lụa vắt trên bầu trời TP.HCM chiều 12-5 - (Ảnh: ÁI NHÂN).

"Đây là hiện tượng tự nhiên không quá hiếm gặp. Thỉnh thoảng trong bầu khí quyển vẫn xảy ra hiện tượng này khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng.

Màu sắc trong mây lúc này không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời. Mây ngũ sắc màu có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ.

Với hiện tượng cầu vồng, chúng ta chỉ có thể quan sát khi ta quay lưng với Mặt trời. Cầu vồng thường xuất hiện vào sáng hoặc chiều tối với góc quan sát là 42 độ, và thường có khi trời vừa tạnh mưa. Còn hiện tượng mây ngũ sắc ta có thể quan sát rộng hơn, ở bất kỳ vị trí nào", ông Quyết phân tích.

Sau khi mây ngũ sắc xuất hiện, trên các trang mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng đây là hiện tượng báo hiệu thời tiết sắp bất thường: "Rất có thể là ảnh hưởng do tro bụi, khí SO2 từ núi lửa ở Indonesia bay đến Việt Nam"; "Nga mới báo sẽ có bão mặt trời mạnh trong vòng 20 năm gần đây sắp đổ bộ lên Trái đất. Có khả năng đây là một số hình ảnh bắt đầu cho chuỗi bão mặt trời đang đổ bộ"...

Về các ý kiến trên, ông Quyết khẳng định mây ngũ sắc chỉ là hiện tượng trong khí tượng. Mây ngũ sắc xuất hiện không nói lên bất kỳ dấu hiệu nào về diễn biến thời tiết sắp xảy ra như nào.

Đối với lo ngại "có thể do tro bụi, khí SO2 từ núi lửa ở Indonesia", các chuyên gia đã khẳng định với PV là không có căn cứ để kết luận một "cơn bão SO₂ đi vào Việt Nam".

"Trong nhiều năm qua, Việt Nam chưa từng ghi nhận hiện tượng gọi là "bão SO2" từ núi lửa Indonesia. Chưa kể với khoảng cách giữa hai nước, SO2 từ núi lửa Indonesia nếu có lan sang cũng đã bị pha loãng rất nhiều. Do vậy người dân không có gì phải quá lo lắng", GS.TS Trần Thục - chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, nhấn mạnh trên Tuổi Trẻ Online ngày 11-5.


(Ảnh: HUỲNH PHÚ VINH).

Các chuyên gia cũng khẳng định mây ngũ sắc không liên quan gì bão mặt trời gây hiện tượng cực quang ở bán cầu Bắc vừa qua.

Sau mây ngũ sắc liệu có mưa lớn? Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - giải thích: "Trong mây có nhiều hơi ẩm, sau mây ngũ sắc cũng có thể xảy ra mưa dông".

Tuy nhiên mây ngũ sắc xảy ra từ hôm qua, hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xuất hiện mưa dông. Nếu trong hôm nay hoặc những ngày tới có mưa thì cũng là hiện tượng bình thường bởi Nam Bộ đang vào mùa mưa.


Nhiều người thích thú với áng mây ngũ sắc xuất hiện ở TP.HCM đã dừng xe để chụp ảnh - (Ảnh: Facebook nghệ sĩ Hồng Vân).


Ảnh chụp mây ngũ sắc trên fanpage Tôi Yêu Thiên Văn Học.


Hiện tượng lạ lẫm khiến nhiều người thích thú - (Ảnh: DINH THUONG).


Mây ngũ sắc nhìn từ TP Thủ Đức - (Ảnh: MINH HÒA).


Lớp mây ngũ sắc là phần rìa mỏng của đám mây, phía sau là mặt trời - (Ảnh: MINH HÒA).


Mây ngũ sắc phía khu vực Aeon Bình Tân - (Ảnh: LÊ THÀNH HUY).


Mây ngũ sắc nhìn từ khu vực quận 4 - (Ảnh: NGA NGUYỄN).

Cập nhật: 13/05/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video