Những thiết bị gia dụng thông minh, như một chiếc máy nướng thể hiện cảm xúc của mình qua Twitter và thông đồng với cái tủ lạnh. Đây không phải là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, mà là một thử nghiệm có thật.
Nhà thiết kế tương tác Simone Rebaudengo, hiện đang làm việc cho công ty Frog đến từ Munich, Đức, đang tập trung vào những nghiên cứu liên quan tới mối quan hệ giữa những thiết bị được kết nối với nhau.
Năm ngoái, dự án "Addicted Products" do Rebaudengo hợp tác với Haque Design + Research ở London đã cho ra đời một hệ thống những chiếc máy nướng bánh mì có suy nghĩ. Mặc dù hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng dự án này gần đây đã giành giải cao nhất của Interaction Awards 2014 - giải thưởng về thiết kế tương tác do Hiệp hội Thiết kế Tương tác IxDA tổ chức.
Máy nướng bánh mỳ cũng có cảm xúc? (Ảnh: discovery.com)
Trong những thử nghiệm của mình, Rebaudengo đã lập trình cho những chiếc máy nướng có mong muốn được nướng bánh. Những chiếc máy này có khả năng tự động thể hiện cảm xúc của mình qua trang Twitter. Có thể nói là chúng có những hành vi tương tự như bị "nghiện" nướng bánh: cảm thấy vui mừng khi có bánh mì để nướng, giận dỗi khi những chiếc máy nướng khác được nướng nhiều bánh hơn, và yêu cầu chiếc tủ lạnh nhắc con người mua thêm bánh mì. Những chiếc máy nướng buồn bã còn có thể tự tử.
"Mặc dù hầu hết người dùng có lẽ đều không muốn sở hữu một chiếc máy nướng bánh như thế này, nhưng thiết kế này có thể được áp dụng một cách dễ dàng vào việc kết nối đồ gia dụng thành một hệ thống hoàn chỉnh", nhà báo Adele Peters cho biết trên trang FastCo.Exist.
Ý tưởng này có thể giúp người dùng tiết kiệm hơn trong việc sử dụng những đồ gia dụng hàng ngày. Một thiết bị có thể tự động báo rằng nó đã lâu không được sử dụng, từ đó chúng ta có thể tiết kiệm năng lượng cũng như chi phí bằng cách tái sử dụng hoặc bán chúng đi thay vì giữ lại một cách vô ích.