Các chuyên gia khoa học cảnh báo máy tính có thể đọc, xóa suy nghĩ của con người...
Năm 1634, nhà viết kịch John Milton phát biểu: "Anh không thể chạm vào tự do trong tâm trí tôi" (nguyên gốc: "Thou canst not touch the freedom of my mind"). Tuy nhiên, gần 400 năm sau, các chuyên gia khoa học lại cảnh báo máy tính có thể đọc, xóa suy nghĩ của con người, sự riêng tư của não chúng ta đang bị đe dọa.
Các nhà khoa học đã phát triển thiết bị có khả năng cho biết liệu một người theo cánh hữu hay cánh tả trong chính trị. Thí nghiệm cho thấy, họ có thể đọc được tâm trí của người dân với độ chính xác đến 70%.
Facebook gần đây cũng tiết lộ rằng, họ bí mật dùng công nghệ đọc tâm trí cư dân mạng để có thể đánh máy bằng ý nghĩ. Các nhà nghiên cứu y khoa thì đã kết nối não bộ của một người đàn ông bị liệt với một chiếc máy tính, cho phép anh ta kích thích cơ bắp cánh tay để anh ta có thể di chuyển nó và nuôi sống bản thân.
Trước tình hình đó, hai nhà đạo đức y sinh học đang kêu gọi xây dựng luật nhân quyền mới để đảm bảo người dân được bảo vệ, bao gồm "quyền tự do nhận thức" và "quyền toàn vẹn tâm trí".
Bài báo trên tạp chí Life Sciences, Society and Policy của họ nhấn mạnh đến "những cơ hội chưa từng thấy" từ việc "phổ biến rộng khắp các ứng dụng thần kinh rẻ hơn, có thể mở rộng và công nghệ thần kinh dễ sử dụng" khiến khoa học thần kinh xâm nhập và gắn chặt vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Với sự phát triển vượt trội của khoa học thần kinh, hai chuyên gia lo ngại công nghệ mới sẽ tấn công và đe dọa quyền tự do tâm trí loài người - (Ảnh: Getty Images).
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng "hack não ác ý" và "nguy hiểm trong sử dụng công nghệ thần kinh y khoa" có thể đòi hỏi phải định nghĩa lại về tính toàn vẹn tâm thần.
Hai nhà nghiên cứu cảnh báo thêm rằng các kỹ thuật này quá tinh vi, đến nỗi tâm trí chúng ta có thể bị đọc hoặc can thiệp mà ta không biết: "Những xâm nhập trái phép vào sự riêng tư của con người có thể không nhất thiết liên quan đến việc ép buộc, vì chúng có thể được thực hiện dưới phần ý thức của một người".
Do vậy, hai nhà đạo đức đề xuất 4 luật nhân quyền mới: Quyền tự do nhận thức, quyền riêng tư về tinh thần, quyền toàn vẹn tinh thần và quyền liên tục về tâm lý.
Hai nhà đạo đức đã đưa đề xuất các luật với mục tiêu bảo vệ "quyền tự do nhận thức" và "quyền toàn vẹn tâm trí" nhân loại
Giáo sư Roberto Andorno, một nhà nghiên cứu thuộc trường luật của Đại học Zurich và là đồng tác giả của bài báo, nói: "Công nghệ hình ảnh não đã đạt đến "trình" mà người ta phải thảo luận về tính hợp pháp của nó trong tòa hình sự. Chẳng hạn chúng có nên được dùng như một công cụ để đánh giá trách nhiệm hình sự hoặc thậm chí nguy cơ tái phạm hay không.
Các công ty tiêu dùng đang sử dụng hình ảnh não cho "neuromarketing" để hiểu hành vi của người tiêu dùng và gợi ra những phản ứng mong muốn từ khách hàng. Ngoài ra còn có các công cụ như "bộ giải mã não" có thể chuyển dữ liệu não thành hình ảnh, văn bản hoặc âm thanh.
Tất cả những điều này có thể gây ra một mối đe dọa đối với tự do cá nhân mà chúng tôi muốn giải quyết với sự phát triển của bốn luật nhân quyền mới".
Nhà nhiên cứu còn lại - Marcello Ienc, đến từ Viện Y học Sinh học tại Đại học Basel, cho biết: "Tâm trí được coi là nơi ẩn náu cuối cùng của tự do cá nhân và tự quyết, nhưng những tiến bộ trong kỹ thuật thần kinh, hình ảnh não và công nghệ thần kinh đã khiến tự do tâm trí gặp nguy cơ.
Đề xuất luật của chúng tôi sẽ cho phép mọi người từ chối khoa học thần kinh cưỡng bức và xâm lấn, bảo vệ sự riêng tư của dữ liệu thu thập được bằng công nghệ thần kinh, và bảo vệ các khía cạnh thể chất và tâm lý của tâm trí khỏi bị thiệt hại do sử dụng sai công nghệ thần kinh".
Ông thừa nhận, những tiến bộ như lo ngại nghe khá giống như cái gì đó trong thế giới khoa học viễn tưởng. Nhưng, "công nghệ thần kinh có trong các câu chuyện nổi tiếng đã trở thành hiện thực thật đấy thôi. Chúng ta cần phải chuẩn bị để đối phó với những tác động mà công nghệ này sẽ gây ra đối với tự do cá nhân của chúng ta".