Từ tháng 5/2005, doanh số máy tính xách tay (MTXT) tại Mỹ đã vượt qua máy tính để bàn (MTĐB). Thành công này có nhiều nguyên nhân: từ sự phát triển của công nghệ truyền tin không dây, cho đến trọng lượng MTXT ngày càng nhẹ và thời gian sử dụng pin ngày càng lâu do những phát minh công nghệ mới. Nhưng nguyên nhân chính là giá cả rất rẻ của chúng.
Hiện nay những dòng MTXT cấu hình phổ thông có mức giá chỉ ngang một chiếc điện thoại đời mới! Những đặc tính không thể thay thế của MTXT như: gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, hình thức đẹp, thời trang, công suất và tính năng không thua kém gì máy tính để bàn - đã làm nó trở thành công cụ lao động và giải trí hiện đại nhất.
Tại VN, các thương hiệu đa quốc gia như Lenovo, HP, Acer, Toshiba đang có những nỗ lực marketing rất mạnh mẽ để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Giá MTXT của họ xuống đến 600 - 700 USD, chỉ cao hơn một chút so với máy tính để bàn VN! Trong khi đó, thị trường máy tính để bàn đang tăng trưởng chậm, lợi nhuận giảm và cạnh tranh khó khăn. Chính vì thế mà trong thời gian gần đây, hàng loạt công ty lắp ráp máy tính VN đang cố gắng tìm lối đi cho mình với sản phẩm MTXT bằng nhiều cách khác nhau: các công ty nhỏ thì liên kết lại trong dự án VOpen nhằm tăng doanh số và qua đó có thể thương lượng nhập hàng từ nước ngoài với mức giá tốt. Các công ty lớn hơn thì cố gắng quảng cáo, PR cho các sản phẩm của mình.
Trẻ em có thể tiếp cận với kho tàng kiến thức trên internet nhờ máy tính giá rẻ - Ảnh: pc4peace |
Các dòng MTXT của các công ty lắp ráp máy tính VN đang có giá ngang bằng, thậm chí cao hơn so với các sản phẩm tương đương về tính năng của Acer và HP. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì số lượng máy bán ra hàng tháng của các công ty lắp ráp máy tính theo "công nghệ 13 con ốc" của VN chỉ vào khoảng vài chục chiếc, trong khi các đại gia trên thế giới bán được hàng triệu chiếc. Theo lời giám đốc một công ty lắp ráp máy tính VN, thì MTXT thương hiệu Việt thực ra nhập nguyên bộ từ các nhà sản xuất OEM ở Trung Quốc, nếu có lắp gì thêm ở VN thì chỉ là thanh RAM và CPU. Giá cao hơn, trong khi mẫu mã, chế độ bảo hành và đặc biệt là thương hiệu đều thua kém, MTXT VN đã và đang thảm bại ngay trên sân nhà.
Các chương trình máy tính giá rẻ của VN đã chấm dứt không kèn không trống. Làm sao có được một máy tính VN giá rẻ, khi các công ty trong nước chẳng sản xuất được linh kiện nào?, thậm chí đến con ốc cũng nhập từ Trung Quốc? Sản phẩm máy tính xách tay (MTXT) thương hiệu VN thì không thể cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài. Trong thời gian trước mắt, phải chăng chúng ta nên tìm cách tham gia chương trình MTXT giá 100 USD của quốc tế dành cho trẻ em các nước đang phát triển? Kết hợp với đào tạo và giảm giá đường truyền internet cho các trường học, có lẽ chương trình này sẽ có hiệu quả nhanh chóng, và giúp học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với ngành CNTT và kho kiến thức khổng lồ trên internet.
Trong khi những chương trình máy tính giá rẻ cho học sinh, sinh viên của các công ty lắp ráp máy tính VN không đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu, và hầu hết hứa hẹn của các bên tham gia đã đi vào quên lãng, thì chương trình máy tính xách tay (MTXT) giá siêu rẻ - chỉ 100 USD - dành cho trẻ em các nước đang phát triển đã bắt đầu triển khai.
Chương trình này có ý tưởng từ Media Lab thuộc viện công nghệ Massachusetts (MIT) và tổ chức phi lợi nhuận One Laptop Per Child (OLPC - Mỗi trẻ một laptop). Lô hàng đầu tiên được giao cho trẻ em Brazil, và những tập đoàn CNTT tham gia chương trình đang đặt tham vọng sản xuất hàng trăm triệu chiếc trong những năm sắp tới. Mức giá 100 USD cho một chiếc MTXT tích hợp wifi, tốc độ 500 MHz, hệ điều hành Linux và màn hình tinh thế lỏng 12" thực sự hấp dẫn, và chắc chắn rằng với phần lớn gia đình tại TP.HCM và Hà Nội thì đó là chi phí chấp nhận được cho việc học tập của con cái. Mức giá thấp đến như vậy chỉ có thể đạt được nhờ số lượng sản xuất cực lớn, nhờ hỗ trợ của các tập đoàn phân phối, sản xuất phần cứng và nhờ phần mềm mã nguồn mở.
Một điều đáng ngạc nhiên là hiện nay chưa thấy có tổ chứcnào ở VN quan tâm đến chương trình quốc tế này, có phải vì nó không mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia?
Thanh Long