“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, vì sao?

Đến giờ tôi vẫn nhớ câu ngạn ngữ mà bố tôi hay nói từ hồi tôi còn nhỏ: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang". Tôi hỏi lại, vì sao như vậy? Bố tôi chỉ giải thích: "Đình làng mình thờ chó đá, nhân gian thường tôn kính gọi chúng là Thần Khuyển hay Linh Khuyển". Khi lớn lên tôi mới dần hiểu được câu đó, dù chưa cặn kẽ, khi được học sinh vật và các môn khoa học có liên quan.

1. Chó là một trong 12 con giáp và nằm trong "lục súc" - 6 loài vật nuôi ở nhà: ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn. Chó được nuôi để giữ nhà hoặc làm thú chơi. Trong các từ Hán Việt chó được gọi là "cẩu" hoặc "khuyển". Chó còn được gọi là "cầy", vì trông giống con cầy. Tất cả những con chó dù xinh đẹp, thanh lịch hay dũng mãnh đều có một tổ tiên chung - giống chó sói hoang dã. Theo các nhà sinh học, những chú chó nhà đầu tiên được thuần hóa từ chó sói cách đây 14.000 năm, kể từ đó con người đã nhân giống, lai tạo và cho ra đời hàng nghìn giống chó để thích nghi với điều kiện khí hậu từng vùng. Các giống chó có thể rất khác nhau về hình dáng, kích thước, màu sắc và tính cách nhưng có điểm chung: đều có 321 chiếc xương và 42 chiếc răng vĩnh viễn, giống như chó sói.

Chó là loài vật rất trung thành. Sói vốn sống thành bầy nên chúng có một mối liên kết đặc biệt với những cá thể bên cạnh mình. Tập tính này được loài chó giữ lại, thay vì trung thành với bầy thì chó lại trung thành với người nuôi chúng. Ông Stephen Zawistowski, cố vấn khoa học của Hội chống ngược đãi động vật Hoa Kỳ, cho biết, khi được nuôi thì chó sẽ coi chủ nhân như một thành viên trong bầy đàn của mình.

Trong các con vật bốn chân thì loài chó có một trí nhớ rất tốt, thuộc loại thông minh nhất. Dù đi đâu xa lâu ngày vẫn nhớ nhà - "lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu", nên người ta mới dạy chúng trở thành chó nghiệp vụ, chó dẫn đường. Khoa học chứng minh, chó có thể hiểu được cảm xúc của con người. Trước đây, những câu chuyện kể về một chú chó hiểu cảm xúc của chủ nhân thường được coi là không có giá trị khoa học. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia tâm lý của đại học Lincoln (Anh) và đại học Sao Paulo (Brazil) đã chứng minh rằng, loài chó thực sự có thể hiểu được cảm xúc của con người.

Cụ thể, những nhà khoa học này đã phát hiện chó có thể phân tích được những thông tin thính giác và thị giác mà chúng nhận được khi tiếp xúc với con người và những cá thể khác. Thậm chí chúng cũng có khả năng phân biệt đâu là trạng thái cảm xúc tiêu cực, tích cực. Đội ngũ nghiên cứu đã thử nghiệm đối với 17 chú chó trưởng thành khác nhau, cho chúng tiếp nhận những thông tin về trạng thái cảm xúc theo hai cách là thính giác và thị giác.

Trong quá trình thí nghiệm, những chú khuyển này được các nhà nghiên cứu cho nhìn thấy những hình ảnh biểu hiện cảm xúc của con người, đi kèm với đó là những đoạn âm thanh mô tả cảm xúc của con người tương ứng với tấm hình đó. Đôi khi, đoạn âm thanh biểu hiện cảm xúc trái ngược với hình ảnh các đối tượng thí nghiệm đang nhìn thấy. Những chú chó này chưa hề trải qua bất kỳ việc huấn luyện nào liên quan đến cảm xúc trước đó nên kết quả thu được đạt đến độ chân thật và tự nhiên nhất. Những âm thanh thí nghiệm là tiếng Bồ Đào Nha, thứ ngôn ngữ vốn xa lạ với loài chó để chúng không dựa trên những ký ức có sẵn với tiếng Anh. Kết quả, những chú chó luôn có sự tập trung mỗi khi âm thanh chúng nghe được có mô tả cảm xúc khớp với tấm hình chúng đang theo dõi và chúng còn có biểu hiện khi nhận được cảm xúc tích cực thì chúng thè lưỡi một cách rất thích thú, khi tiếp nhận thông tin tiêu cực như giận dữ, thì chúng gầm gừ theo cách đề phòng. Nếu thông tin hình ảnh và âm thanh không khớp nhau thì chúng sẽ sủa mấy tiếng để phản ứng.

Mèo không nằm trong số "lục súc", nhưng vì có khả năng bắt chuột tốt nên nhà nào cũng nuôi và một câu hỏi hay đặt ra, chó hay mèo thông minh hơn? Câu hỏi đó đã có kết quả. Tháng 12/2017, lần đầu tiên, các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu về kích thước bộ não hai loài này và còn tính toán được số lượng nơron trong vỏ não của chúng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số nơron trung bình trong vỏ não của mèo chỉ bằng phân nửa số lượng trung bình trong vỏ não của chó. Chó có khoảng 530 triệu nơron trong vỏ não mèo chỉ có khoảng 250 triệu. Trong khi ở người, vỏ não có khoảng 16 tỉ nơron.

Tiến sĩ Suzana Herculano-Houzel, Phó giáo sư Tâm lý học và Sinh học trường Đại học Vanderbilt, Mỹ cho biết: "Chó có khả năng sinh học để làm những việc phức tạp và linh hoạt hơn trong đời sống so với mèo". Celia Haddon, một nhà hành vi học chuyên về loài mèo, lý giải nguyên nhân mèo có ít nơron hơn chó vì "mèo thường ít tương tác xã hội hơn". Chó thì ngược lại, vì tổ tiên của chó là sói, loài vốn đi săn theo bầy đàn nên phát triển những hành vi phức tạp hơn để hợp tác với nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến chó rất thân thiện và có thể dễ dàng hợp tác với con người. Mèo không có những hành vi như vậy, vì chúng chỉ săn mồi một mình và cũng thường sống một mình", Haddon cho biết thêm.

Đặc biệt bộ phận thính giác và khứu giác của chó rất nhạy cảm: Chó thường nằm nghiêng tai xuống đất và nhận biết tiếng động từ xa, nên cất tiếng sủa để tự vệ và cảnh báo cho chủ. Mũi chó rất thính có thể đánh hơi và phân biệt mùi khá chuẩn.

Trong một nghiện cứu gần đây, cho thấy, chó Becgie Đức nằm trong danh sách những loài chó thông minh nhất thế giới. Chúng trở nên vượt trội hơn, khi có thể phát hiện được ung thư với độ chính xác lên tới 100%. Cụ thể, Isabelle Fromantin, Chủ nhiệm một dự án mang tên Kdog cho biết, chỉ với 6 tháng luyện tập, một cặp Becgie Đức đã có thể nhận ra người nào đang mắc phải ung thu vú.

Các chuyên gia thực hiện thí nghiệm trên 31 bệnh nhân ung thư. Những người này quấn một lớp băng gạc tại vùng ngực bị ung thư, sau đó đưa lại cho các chuyên gia. Số băng gạc này được sử dụng làm công cụ để huấn luyện 2 chú chó, nhằm luyện cho chúng khả năng phân biệt được băng của bệnh nhân ung thư và người bình thường. Sau 6 tháng, chúng thực hiện bài kiểm tra trên 31 bệnh nhân bị ung thư khác. Mỗi băng gạc của bệnh nhân được ghép với 3 tấm băng bình thường. Kết quả, chỉ sau 2 lần thử, chúng có thể phân biệt chính xác 100% đâu là băng của người bị ung thư. Nghiên cứu hiện đang thử nghiệm. Bước tiếp theo, các chuyên gia sẽ thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân hơn, với nhiều giống chó khác nhau. Nếu thành công, đó sẽ là một phương pháp xét nghiệm ung thư cực kỳ rẻ tiền, hiệu quả cao, lại không có hại cho sức khỏe.

Nói tới sự thông minh của chó, không thể không nói tới chó Phú Quốc (Phu Quoc Ridgeback). Đây là loài chó bản địa duy nhất tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang và được xếp vào một trong những loài hiếm nhất thế giới và rất thông minh, dễ dạy và trung thành với chủ. Chó có màu nâu xám, bụng thon, lông trên lưng có hình xoắn, lông vàng xám có các đường kẻ nhạt chạy dọc thân. Đặc điểm chỉ 3 loài chó trên thế giới có được, đó là chó lông xoáy Thái Lan, chó săn sư tử Nam Phi và chó Phú Quốc của Việt Nam. Tính đến nay, chỉ có khoảng hơn 800 chó Phú Quốc được đăng ký trên toàn thế giới.

Tháng 10/2015, Catherine Lane, một người phụ nữ 42 tuổi quốc tịch Anh trở nên nổi tiếng. Vì cô là người châu Âu đầu tiên sở hữu và nhân giống thành công chó Phú Quốc. Lane sang Việt Nam, chọn được 2 chú chó Phú Quốc đen mang về nước. Sau một thời gian chăm bẵm, cặp chó đã cho ra đời 4 chó con: 3 cái, 1 đực, và chúng được đặt mua với mức giá 10.000 bảng Anh/con (khoảng hơn 300 triệu VNĐ theo tỷ giá lúc đó).

2. Chó là loài đi bằng đầu ngón chân và có các bàn chân đặc trưng, năm ngón ở chân trước và bốn ngón ở chân sau. Đôi khi có trường hợp chó nhà có năm ngón ở chân trước, chân sau, móng thứ năm gọi là "móng huyền" hay còn gọi là "chó huyền đề". Huyền đề được cho là vết tích còn lại của ngón chân cái.

Nhân gian thường hay nói tới các chú chó đặc biệt: "Lưỡng câu cẩu" là con chó có hai huyền đề, thông thường thì ở hai chân sau hoặc hai chân trước; "Tứ quý cẩu" là cả bốn chân chó đều phải có huyền đề và được được xếp hạng "đệ ngũ cẩu tướng", nên nhân gian mới có câu "chó khôn tứ túc huyền đề"; "Lục hợp cẩu" là con có hai huyền đề ở mỗi chân sau và một huyền đề ở mỗi chân trước, tổng cộng là sáu cái; "Bát long cẩu" là mỗi chân có hai huyền đề, tổng cộng tám cái. Con này được xếp hạng "đệ tứ cẩu tướng". Theo nhân gian, trong các loại huyền đề thì tốt nhất là "Bát long", kế đến là "Tứ quý", sau nữa là "Lục hợp" và cuối cùng là "Lưỡng câu". "Dù ai buôn bán trăm nghề/Chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân". Nếu nuôi được chó này, gia chủ sẽ phát phú quý rất nhanh.

Trong văn hóa tâm linh của một số dân tộc, chó là con vật thân thiết gắn bó thủy chung với người chủ nói riêng và con người nói chung, những đức tính của chó được tôn vinh, nên có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo. Tục thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới.

Chuẩn bị đón Tết năm Tuất, tôi lượn qua các cửa hàng bán đồ phong thủy, thấy rất nhiều loại tượng chó phong thủy mang chất liệu khác nhau. Ngoài chất liệu bằng đá cổ truyền, những tượng chó phong thủy còn được làm từ bột đá cao cấp để phù hợp với xu thế hiện đại và mẫu mã đẹp mang lại nhiều phúc khí. Có tượng chó làm bằng đá thạch anh, rất đắt tiền.

Tượng chó phong thủy có ý nghĩa gì trong đời sống? Trong quan niệm của người Phương Đông, chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, thuận lợi và nhiều niềm vui nên mới xuất hiện ngạn ngữ: "Mèo đến nhà thì khó/ Chó đến nhà thì sang". Điều này bắt nguồn từ những câu chuyện về con chó ở thời nhà Lý. Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974), ở quê ông có con chó đẻ ra con mầu trắng, có đốm lông vàng thành hình chữ "Vương" trên lưng. Đó là điềm báo năm Tuất sinh người làm vua và Lý Công Uẩn sau này lên ngôi Rồng...

Thêm nữa, năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã có một con chó bụng chửa từ núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, bơi qua sông Cái, rồi lên ở trên núi Nùng (vườn Bách Thảo, Hà Nội), đẻ được một chó con, đến năm Nhâm Tuất, hai chó đều hóa đá, nơi này sau dựng "Chính điện đài" và lập bên điện ngôi đền thờ chó mẹ và chó con. Triều đại sau, đền thờ Cẩu Nhi được dời ra ngoài Hoàng thành, dựng trên một gò đất trong hồ Trúc Bạch.

Nhân dân đã sáng tạo ra câu ngạn ngữ, dựa trên những đúc kết trong quá trình thuần hóa, nuôi dưỡng chó, mèo và sự tích Cẩu Nhi nhằm nói lên sự thịnh vượng cho một triều đại mới. Hơn nữa, trong quá trình nuôi người ta phát hiện chó rất trung thành với chủ, chủ nhà no, đói đều không bỏ đi, bảo vệ chủ đến nơi đến chốn, thậm chí khi chủ chết, chó còn nhịn đói canh mộ - "khuyển mã chí tình".

Ngược với chó, mèo khi có ăn thì ở lại, không có ăn bỏ đi, sẵn sàng bỏ đi khi thích - "mèo già hóa cáo" là thế. Chính việc bỏ đi của mèo, thể hiện sự mất của và người ta quan niệm mèo đến là mang điều xui, sự nghèo hèn.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu phong thủy: Trường khí có ảnh hưởng tới con người và động vật. Khi còn sống đều cả người và động vật đều có một vòng trường sinh học, tức tổ hợp các hạt điện sinh học âm bao quanh cơ thể. Sóng sinh học và dòng điện sinh học lan truyền trong không gian. Con người và vật đều có khả năng phát và thu sóng sinh học. Sóng sinh học có thể tương tác với nhau hoặc giao thoa. Nhờ có vòng trường sinh học và sóng điện sinh học phát và thu mà con người và động vật có được cái gọi là linh cảm, giao cảm.

Chó và mèo đều là loài động vật có mối linh cảm tốt, đặc biệt là chó có thể biết trước được điều xấu xảy ra với chủ mình. Có không ít trường hợp, khi chủ đi ra ngoài, chó linh cảm thấy điều xấu đã cắn gấu quần giữ chủ lại, hoặc cứu chủ thoát khỏi hiểm nguy. Hơn nữa, chó còn linh cảm thấy nguồn sóng lạ, sóng xấu để xua đuổi, cảnh báo nên nhân gian có câu: "khắc khoải như chó cắn ma". Giữa người và chó cũng có sự xung đột giữa hai nguồn sóng sinh học, vì vậy, có người đi qua chó không cắn, nhưng có người chó cắn rất dữ.

Ngược lại, khả năng linh cảm của mèo lại hay báo những tin xấu như, thấy người chết là mèo tìm đến, vực dậy người chết... Hiện tượng xác chết bật dậy sau khi bị mèo đen nhảy qua còn gọi là "quỷ nhập tràng". Theo các nhà sinh học, phong thủy học: Mèo đen là loài vật có dương khí rất mạnh. Còn người chết thì lại thiếu khí dương. Khi mèo tới gần xác chết, khí dương rất mạnh của con mèo có thể khiến xác chết kinh động, từ đó phản ứng sẽ xẩy ra. Chính những điều này khiến người ta quan niệm khác nhau về điềm lành và dữ ở chó và mèo. Còn khoa học đã có những xác nhận về trường trái đất, nút bức xạ... Qua quan sát người ta nhận thấy, giống mèo rất thích các khu vực có bức xạ hay trường khí xấu. Ngược lại, con chó lại thích các khu vực có bức xạ, trường khí tốt. Bởi vậy, những nơi mèo nằm thường có trường khí xấu, chó hay nằm thì ngược lại. Vì thế, chó hay mèo đến nhà, nguyên nhân là do sự quyến rũ của trường khí, bức xạ nào đó vừa phát sinh trong khu vực mình ở.

3. Tất cả những yếu tố may, rủi trên là sự đúc kết, trải nghiệm của ông bà, tổ tiên, dòng tộc, các thế hệ lịch sử truyền lại, có cơ sở thực tế. Không phủ nhận những kinh nghiệm đúc kết ấy, nhưng dựa vào đó mong chờ vận may, hoặc lo lắng sự rủi ro mơ hồ nào đó xảy ra mà xa rời thực tại thì thật là sai lầm. Cả chó và mèo đã, đang là bạn tốt của con người. Nhưng động vật vẫn chỉ là động vật: Bộ não của chó có 530 triệu nơron, mèo chỉ có khoảng 250 triệu, con người có khoảng 16 tỉ nơron kia mà. Với con người, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra của cải và mọi cơ hội vươn lên, tức vận may cho chính mình.

Khoa học vẫn đang tìm cách lý giải về sự thông minh của chó, có những lý giải rất thuyết phục, có những điều chưa thật sáng tỏ, vì thế việc nghiên cứu về chó vẫn còn tiếp tục. Biết đâu tới năm Tuất sau nữa lại có bao điều mới mẻ.

Cập nhật: 17/02/2018 Theo VnReview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video