Bên trong lòng mặt trăng băng giá Tethys của Sao Thổ có thể là một quả cầu nóng chảy. Đây cũng là "miền đất hứa" cho sự sống ngoài hành tinh.
NASA vừa công bố những hình ảnh về mặt trăng băng giá Tethys của sao Thổ. Trong đó đáng chú ý nhất là miệng núi lửa Odysseus ước tính rộng tới 400-450km và thung lũng Ithaca Chasma chạy từ cực Bắc đến cực Nam của hành tinh, rộng 100km, sâu 3-5km và dài 2.000km.
Siêu núi lửa với miệng là vòng tròn cực lớn trên bề mặt "mặt trăng băng giá" - (ảnh: NASA)
Các nhà khoa học tin rằng miệng núi lửa này cho thấy bên dưới lớp băng dày là một quả cầu lửa nóng chảy. Sự hiện diện của miệng núi lửa có thể xảy ra những thảm họa toàn hành tinh làm thay đổi mọi sự vật trên đó.
Bên cạnh đó, mặt trăng này cũng có khoảng cách khá gần với sao Thổ và được tắm trong ánh sáng mặt trời phản chiếu từ sao Thổ. Nó là một trong 53 mặt trăng của hành tinh này và từ lâu đã được xem là một "miền đất hứa" trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài trái đất. Nhờ lõi nóng chảy, nó có thể ẩn chứa nước và các điều kiện cho sự sống bên dưới lớp băng.
Tethys (góc trên, bên trái) đang quay quanh sao Thổ - (ảnh: NASA).
Các dữ liệu được đưa về bởi tàu vũ trụ Cassini của NASA. Ngoài Tethys, Cassini còn có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ về Titan, một mặt trăng khác của Sao Thổ cũng được cho là đủ điều kiện để sự sống hình thành.
Các bằng chứng sự sống trên Titan có vẻ rõ ràng hơn Tethys, vì một dữ liệu từ máy quang phổ plasma của Cassini cho thấy carbon – nguyên tố của sự sống đang được "gieo hạt" thành những phân tử lớn hơn trên mặt trăng này. Theo nghiên cứu của ESA – Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, điều này có thể thúc đẩy các phản ứng hóa học tiền sinh học, tương tự như cách sự sống bắt đầu trên trái đất.