Millennial - hay thế hệ Y - tên gọi dành cho những người sinh ra trong giai đoạn 1982 – 2000 đang gặp nhiều áp lực không tên trong cuộc sống. Và bởi vậy, nhiều khả năng tình trạng sức khỏe của họ sẽ xấu hơn khi ở cùng độ tuổi với cha mẹ.
Là một thế hệ đánh dấu sự chuyển giao, thế nên các millennial thường xuyên trở thành tâm điểm chú ý. Đây là lợi thế, nhưng cũng là thiệt thòi lớn. Theo nhiều ý kiến đánh giá, thế hệ này thường được xem là lười biếng và ít chịu cố gắng, hiếm người mua được nhà, và khả năng kiếm tiền gặp nhiều trở ngại.
Tự tin và năng động, nhưng thế hệ Y cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Đúng sai thế nào, chúng ta không bàn đến. Chỉ biết rằng theo một nghiên cứu mới đây từ Tổ chức Y tế Anh Quốc, thì các millennial sẽ là thế hệ đầu tiên gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn cha mẹ của họ vào độ tuổi trung niên.
Cụ thể, nghiên cứu dựa trên tình trạng việc làm, các mối quan hệ và tài sản ảnh hưởng thế nào đến những người trẻ trong độ tuổi 20 - 30. Kết quả cho thấy, xu hướng chung ở đây là rủi ro hình thành ung thư, tiểu đường, béo phì hoặc bệnh tim cho người trẻ vào những năm tháng trung niên sẽ cao hơn hẳn.
Về tổng thể, xu hướng này có liên quan đến một số vấn đề người trẻ đang phải chịu đựng, bao gồm "căng thẳng, lo lắng, trầm cảm trong thời gian dài, hoặc chất lượng cuộc sống thấp". Đây cũng là thế hệ đầu tiên kiếm được ít tiền hơn cha mẹ chúng ở cùng một độ tuổi.
Thế hệ Y nhiều người đã lập gia đình, có em bé, nhưng chịu nhiều áp lực.
"Người trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực hơn so với thế hệ trước" - Jo Bibby, giám đốc chiến lược của Tổ chức Y tế Anh Quốc cho biết.
Các áp lực họ đang phải gánh chịu bao gồm việc làm không ổn định, hợp đồng lao động không rõ ràng, làm những công việc dưới sức, và tình hình kinh tế trồi sụt bất thường. Ngoài ra, tác động của mạng xã hội cũng góp phần khiến tình trạng tệ hơn. Nó tạo ra áp lực phải giữ các mối quan hệ ảo, thay vì tiếp xúc thực sự ngoài xã hội.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã thực hiện khảo sát trên 2000 người, từ 22 đến 26 tuổi. Trong đó 31% cho biết họ có các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, 46% có được sự hậu thuẫn vững chắc của gia đình về mặt tài chính, còn 49% được ủng hộ về tinh thần. Nhưng có đến 80% cho rằng họ cảm thấy áp lực nặng nề vì mạng xã hội.
Các millennial bị cô đơn sẽ có rủi ro mắc bệnh về tâm lý cao gấp 2 lần so với bình thường.
Đầu năm 2018, một nghiên cứu từ ĐH Kings College London đã chỉ ra rằng các millennial bị cô đơn sẽ có rủi ro mắc bệnh về tâm lý (bao gồm cả trầm cảm) cao gấp 2 lần so với người thường. Nghiêm trọng hơn, họ cũng dễ dàng rơi vào tâm trạng cô đơn hơn các thế hệ trước đó.
"Sự bấp bênh mà thế hệ trẻ đang phải đối mặt có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ sau này" - Bibby thẳng thắn nói.
Michael Marmot - giáo sư dịch tễ ĐH College London cũng đồng tình. "Tôi cũng nghĩ chúng sẽ gây ra nhiều vấn đề khác nữa trong tương lai, chứ không chỉ là bệnh tâm lý đâu" - ông bổ sung thêm.