Được mệnh danh là "Vương quốc dâu tây" của nước Nhật, tỉnh Tochigi kết hợp sự ưu đãi của thiên nhiên với chính sách tạo thuận lợi cho nông dân để sản xuất lượng dâu tây trị giá 215 triệu USD mỗi năm.
Tỉnh Tochigi, cách Tokyo khoảng 100km về phía bắc, có 48 năm liên tiếp dẫn đầu Nhật Bản về sản lượng dâu tây, với gần 25.000 tấn một năm. Đây cũng là tỉnh duy nhất của Nhật Bản có Viện nghiên cứu chuyên về dâu tây, sở hữu các kỹ thuật cải tiến giống mới. Dâu tây thường được trồng trong các nhà nilon có khung thép, diện tích khoảng 250m2. Nhà nilon được bố trí các thiết bị cung cấp khí CO2, đèn và quạt phát khí lưu huỳnh chống sâu bệnh, quạt giúp nhiệt độ trong nhà kính đồng đều và tổ ong giúp hoa thụ phấn.
Khi được hỏi về bí quyết phát triển ngành dâu tây của tỉnh, ông Akihiko Takayama, trưởng nhóm phụ trách dâu tây và rau xanh thuộc Sở hành chính tỉnh Tochigi, cho hay yếu tố đầu tiên là thời tiết thuận lợi. Tỉnh Tochigi có nhiệt độ trung bình dưới 17 độ C, kể cả vào mùa đông, bầu trời ở đây luôn trong xanh, có nhiều ánh sáng mặt trời, thời điểm đông xuân không có bão tuyết.
Tỉnh Tochigi còn hỗ trợ tối đa để nông dân phát triển loại quả này, họ được cấp giống miễn phí và được hướng dẫn tỉ mỉ trong quá trình canh tác. Sau khi nghiên cứu thành công giống dâu tây mới, Viện nghiên cứu sẽ giâm cành trong khoảng ba năm, đảm bảo không có sâu bệnh rồi mới trao cho nông dân. Với khoảng 1.800 nông dân trồng dâu tây trên toàn tỉnh, Tochigi có 7 văn phòng hướng dẫn chăm sóc giống mới và 20 kỹ sư. Nông dân và các nhà nghiên cứu thường xuyên trao đổi hai chiều.
Skyberry là giống mới được trồng cách đây hai năm, chiếm 50% sản lượng dâu của tỉnh. Từ khi nghiên cứu đến lúc trồng thành công Skyberry cần khoảng 17 năm. Tính trung bình các nhà nghiên cứu mất 10 năm để trồng thành công một giống mới.
Tochigi có 10 tổ chức tương tự như hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam, tư vấn phun thuốc và kiêm quản lý khâu tiêu thụ cho nông dân. Các hộ trồng dâu cũng được tỉnh Tochigi hỗ trợ 10% chi phí dựng nhà nilon. Ông Takayama cho biết Tochigi có tổng số 600 hecta trồng dâu tây, doanh thu một năm là 25 tỷ yen, tương đương hơn 215 triệu USD, bằng 10% tổng thu nông sản của tỉnh.
Trong số các mô hình trồng dâu tây thành công của tỉnh, nông trang Itigo no Sato với diện tích 40.000m2 đã kết hợp du lịch hái dâu tại vườn và chế biến các sản phẩm từ dâu.
Sau khi chi 2.000 yen, mỗi khách du lịch sẽ được phát một cốc nhựa để đựng phần dâu thừa, hái và ăn dâu tại vườn trong vòng 30 phút. Một năm có khoảng 120.000 đến 140.000 lượt khách đến hái dâu ăn tại vườn, chủ yếu đến từ Tokyo và Saitama lân cận, anh Iwasaki, nhân viên của Nông trang Itigo no Sato cho biết.
Ngoài ra, nông trang Itigo no Sato còn có hệ thống nhà hàng, quà lưu niệm, quán cafe. Với 50 loại sản phẩm khác nhau, doanh thu một năm đạt 700 triệu Yen, tương đương hơn 6 triệu USD.