Một con lửng đào được 200 đồng tiền cổ có từ thời La Mã nhưng bị các nhà khoa học "tịch thu" hết

Có thể bạn đã biết những con Niffler trong thế giới của Harry Potter, một sinh vật huyền bí giống những con lửng với bộ lông đen nhánh nhưng lại có một chiếc mỏ vịt. Đặc điểm của loài vật này là thích những đồ vật sáng bóng - đặc biệt là tiền xu. Thì đây có thể là một phiên bản ngoài đời thực của nó:

Một con lửng mật được cho là đã chui vào hang động La Cuesta ở Asturias, miền bắc Tây Ban Nha và đào được một kho báu chứa hơn 200 đồng tiền cổ thời La Mã. "Khi đến đó chúng tôi phát hiện ra một cái lỗ dẫn đến ổ của con lửng, mặt đất xung quanh đó chứa đầy tiền xu", tiến sĩ khảo cổ học Alfonso Fanjul Peraza cho biết.


200 đồng tiền cổ có từ thời La Mã.

Những đồng xu này có niên đại khoảng 200-400 năm sau Công Nguyên và có nguồn gốc từ khắp Châu Âu. Có những đồng tiền được đúc tại London, Lyon, Arles (Pháp), Thessalonica (Hy Lạp), Constantinople (thủ đô cổ đại của La Mã) và Antioch (một thành phố cổ xưa nằm ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Năm 219 trước Công Nguyên, lực lượng viễn chinh của La Mã bắt đầu xâm chiếm bán đảo Iberia, khu vực Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bây giờ. Họ lật đổ người Carthage ở đây rồi dần dần chinh phục tất cả các bộ lạc trên bán đảo. Nhưng cũng phải mất tới hơn 200 năm để đế chế La Mã hùng mạnh thôn tính được Iberia.

Sau đó, họ trị vì khu vực này suốt 500 năm, cho tới khi các nhóm người Sueves, Vandals và Visigoth bắt đầu thách thức quyền kiểm soát của đế chế. Vào khoảng năm 409 sau Công nguyên, một tộc người Đức tên là Suebi bắt đầu xâm chiếm bán đảo này và đẩy lùi người La Mã.

Tiến sĩ Peraza cho biết có thể đó là khoảng thời gian mà những đồng xu này được chôn giấu. Những người tị nạn đã ẩn náu trong hang La Cuesta và quyết định chôn lại của cải của họ trước khi chạy trốn.

"Chúng tôi nghĩ kho báu này phản ánh một quá trình bất ổn xã hội và chính trị của Rome, cùng với sự sụp đổ của đế chế trước làn sóng nổi dậy của các nhóm bộ tộc man rợ ở miền bắc Tây Ban Nha", tiến sĩ Peraza nói.

Một giả thuyết thứ hai cho rằng La Cuesta có thể đóng vai trò như một kho dự trữ. Đó là nơi mà mọi người có thể đến gửi tiền và rút tiền. Các nhà khảo cổ gợi ý những hang động như vậy có thể đóng vai trò như một dạng tài khoản ngân hàng cổ đại.


Các nhà khảo cổ đang làm việc trong hang động.

Đăng trên tạp chí Journal of Prehistory and Archaeology, các nhà khảo cổ cho biết những đồng xu mà họ tìm thấy phần lớn được làm từ đồng. Có một số đồng xu pha với bạc. Đây đều là những loại tiền thấp cấp hơn so với 14 đồng xu vàng từng được tìm thấy ở một địa điểm gần đó tên là "kho báu Chapipi" vào năm 1930. Những đồng tiền vàng này cũng có niên đại từ thời La Mã cổ giống với những đồng tiền mới được tìm thấy.

Một trong những đồng xu lớn nhất trong kho báu của con lửng nặng hơn 8 gam và chứa 4% bạc. Các nhà khảo cổ xác định nó đã được đúc tại London. Với tổng cộng 209 đồng xu mà con lửng tìm thấy, đây hiện được xác định là bộ sưu tập tiền cổ lớn nhất từng được phát hiện ở miền bắc Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng đó mới chỉ là một phần của một kho báu thậm chí còn lớn hơn thế đã bị lấy mất. Những đồng tiền bằng đồng còn lại dường như là những thứ kém giá trị nhất mà người ta để lại.

Đối với con lửng, không rõ liệu những đồng tiền này có giúp nó trang hoàng thêm cho nhà cửa của mình hay không. Nhưng theo lời các nhà khảo cổ thì có thể con lửng chẳng quan tâm đến chúng lắm.

Những con lửng xuất hiện trong một hang động thường để tìm kiếm thức ăn hơn là những đồng xu. Hoặc đơn giản là nó đã đào cái hang này để trốn tránh mùa đông khắc nghiệt. Cái hang của con lửng có vẻ đã được đào vào tháng 1 năm ngoái, trong cơn bão tuyết Filomena quét qua Tây Ban Nha và trút xuống một lượng tuyết kỷ lục.

Tại thời điểm mà tiến sĩ Peraza và nhóm khảo cổ của ông đến hang La Cuesta và thu thập tất cả những đồng xu, con lửng đã không còn ở đó. Họ đã đào hết kho báu của con lửng lên và mang những đồng tiền về bảo tàng Khảo cổ học Asturias.

Các nhà khảo cổ còn dự định sẽ trở lại cái hang một lần nữa để tiếp tục tìm kiếm những manh mối còn sót lại. Họ cho rằng có thể hang La Cuesta vẫn còn nhiều đồ tạo tác có giá trị, có thể giúp các nhà sử học tìm hiểu thêm về sự sụp đổ của Đế chế La Mã, sau đó là sự hình thành của các vương quốc trung cổ ở miền bắc Tây Ban Nha.

Về phần con lửng, chắc chắn nó sẽ không thích điều này. Có thể con lửng rất tức giận khi trở về và thấy nhà cửa của mình bị đào bới tanh bành còn kho báu thì đã biến mất.

Cập nhật: 17/01/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video