Một học sinh chỉ ra lỗi sai trong dữ liệu của NASA

Mới đây, một sinh viên người Anh đã liên lạc với NASA để chỉ ra một lỗi sai trong dữ liệu được ghi lại trên ISS (International Space Station – Trạm vũ trụ Quốc tế). Sau đó, cậu sinh viên này nhận được lời cám ơn từ cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ.

Bạn trẻ tài năng đó là Miles Soloman, mới 17 tuổi và là sinh viên của trường Tapton ở Sheffield. Soloman đang làm việc cho dự án TimPix – dự án cho phép các học sinh Anh quốc được truy cập vào những dữ liệu được ghi lại bởi máy dò sóng bức xạ. Những dữ liệu này nằm trong chuyến lưu trú 6 tháng của phi hành gia người Anh Tim Peake trên ISS.

Trong số các dự án khác, Peake đã tham gia vào một chương trình nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của bức xạ vũ trụ đối với con người. Bức xạ trên ISS được theo dõi bằng thiết bị dò Timepix có hình dạng như USB. Nó được cắm vào máy tính và thường xuyên gửi dữ liệu về Trái đất.

Soloman và các học sinh khác đã đưa ra các phép đo Timepix trong một trang tính Excel khổng lồ. Bảng tính này cho phép họ thực hành phân tích dữ liệu thông tin khoa học thực tế. Tuy nhiên khi sắp xếp dữ liệu theo mức năng lượng, Soloman nhận thấy một điều kỳ quặc.

"Ngay lập tức, tôi kéo xuống cuối bảng danh sách và tìm đến những nơi có đơn vị đo mức năng lượng thấp nhất. Tôi thấy rằng ở đó không có năng lượng, cũng không có bức xạ. Cái thật sự được hiện thị ở trên bảng tính là -1. Lúc đó tôi nghĩ: Chúng ta không thể có năng lượng âm được. Và sau đó, chúng tôi nhận ra nó là một lỗi sai", Soloman phát biểu trên một chương trình của đài BBC Radio 4.

Soloman và giáo viên vật lý của mình - James O'Neill, đã lập tức nhảy vào cuộc và gửi ngay thông báo về lỗi sai cho NASA.


Bên trong Trạm vũ trụ Quốc tế. (Ảnh: NASA).

Như Soloman giải thích với BBC Radio, các nhà nghiên cứu tại NASA đã trả lời rằng họ đã phát hiện được lỗi này. Nhưng các chuyên gia tại đây cho là những sai sót đó chỉ xảy ra một hoặc hai lần một năm. Họ đã nhầm. "Chúng tôi thấy lỗi sai này xảy ra nhiều lần trong ngày", Soloman nói.

Tuy nhiên, nhà vật lý Lawrence Pinsky thuộc Trường đại học Houston, người tham gia vào dự án TimPix và cũng là cộng sự của dự án giám sát bức xạ trên ISS, cho biết: "Họ nghĩ rằng họ đã sửa được chỗ sai này. Vấn đề là một số thuật toán chuyển đổi dữ liệu thô đã bị giảm nhẹ, và do đó khi thực hiện việc chuyển đổi, kết quả cho ra là một số âm".

Trong chương trình của đài BBC World, người dẫn chương trình Martha Kearney đặt câu hỏi với Lawrence Pinsky: Liệu NASA có lúng túng khi được một cậu bé còn là học sinh chỉ ra sai sót trong bộ dữ liệu của mình không? Pinsky đã trả lời rằng ông ta không nghĩ như vậy.

Ông nói: "Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp này hơn là cảm thấy xấu hổ. Việc các học sinh thực sự tham gia vào các dự án quan trọng này có nghĩa là trong tương lai, có rất nhiều khả năng họ sẽ phát hiện được những lỗi sai tương tự".

Dự án TimPix là một trong nhiều sáng kiến ​​được tổ chức bởi IRIS (Viện nghiên cứu tại trường học). Đây là một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Anh, tạo cơ hội để sinh viên và giáo viên nghiên cứu khoa học đúng nghĩa tại trường học.

IRIS đã hợp tác với các tổ chức như CERN, NASA, Wellcome Trust, và Hiệp hội Vườn Hoàng gia Anh (Royal Horticultural Society) để đưa các dự án khoa học thực sự vào trong lớp học và khuyến khích trẻ em theo đuổi niềm đam mê khoa học.

"Chúng tôi đang khai thác tiềm năng của những đầu óc trẻ trung, tươi mới và những thứ họ có thể làm. Theo như tôi nghĩ, chúng ta có thể thành lập những nhóm nghiên cứu lớn nhất trên khắp đất nước từ các học sinh của chúng ta", giáo viên của Soloman - O'Neill phát biểu.

Ngoài việc phân tích sự phơi nhiễm phóng xạ trên ISS, các học sinh cũng có thể nghiên cứu di truyền học về bệnh tim mạch, phân tích bầu khí quyển của sao Hỏa, tham gia vào các thí nghiệm với máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider) và tìm kiếm dấu hiệu của một đơn cực từ.

Thậm chí có một dự án sắp khởi động sẽ cho phép các học sinh xây dựng một bản sao của máy gia tốc hạt lớn ở Minecraft. Các học sinh sẽ được hợp tác với nhóm Vật lý Hạt của Đại học Oxford.

Ít nhất đối với Miles Soloman, IRIS chắc chắn đã cho cậu nguồn cảm hứng để theo đuổi khoa học một cách say mê hơn. Soloman đã gấp rút giải thích rằng, cậu không cố gắng để tỏ ra giỏi hơn các nhà nghiên cứu NASA khi cậu chỉ ra lỗi sai trong dữ liệu.

"Tôi không cố gắng để chứng minh NASA sai, tôi không cố nói rằng tôi tốt hơn, bởi vì rõ ràng là tôi không hề - họ là NASA cơ mà. Tôi muốn làm việc với họ và học hỏi từ họ", Soloman nói.

Cập nhật: 28/03/2017 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video