Một hòn đảo, hai thế giới

Câu chuyện môi trường gây thảm họa dường như không còn mới trong thế kỷ 21. Nhưng trường hợp của hai quốc gia Haiti và Cộng hòa Dominica ở Mỹ Latin là một minh chứng sinh động và cũng là bài học nóng hổi nhất cho các quốc gia không biết nâng niu báu vật của thiên nhiên.


Những ngọn đồi vắng bóng cây rừng ở Haiti. (Ảnh: nigelberker.tv)

Không cần phải chờ tới khi trận động đất 7 độ Richter đầu năm 2010 làm chết 230.000 người và 1 triệu người vô gia cư, Haiti mới lại trở thành điểm nóng trên thế giới. Quốc gia có một lịch sử tự hào là đất nước độc lập đầu tiên tại châu Mỹ Latin sau cuộc cách mạng chống thực dân Pháp này từ lâu đã xuất hiện nổi bật trên truyền hình với những cuộc đảo chính đẫm máu, những trận lụt triền miên và một nền kinh tế èo uột.

Ngược lại, Cộng hòa Dominica, quốc gia láng giềng chia sẻ nửa còn lại của hòn đảo Hispaniola trong vùng biển Caribê, lại thường xuyên xuất hiện trên kênh CNN qua những quảng cáo du lịch với những bãi biển bình yên và những cánh rừng xanh mướt.

Mặc dù chưa phải giàu có nhưng người dân Dominica đã có mức thu nhập đầu người hơn 5.000 USD/năm, gấp 7 lần Haiti, và tốc độ tăng trưởng GDP 10%/năm trước khi sụt giảm vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều gì làm hai quốc gia nằm chung trên một hòn đảo rộng 76.500km2 (gần bằng 1/4 diện tích VN) lại có hai số phận khác biệt đến vậy?

Nhìn từ những bức ảnh vệ tinh, đường biên giới giữa hai nước chia cắt đảo Hispaniola thành hai màu: màu xanh sẫm của rừng cây ở phía đông (phía Dominica) và màu nâu nhạt của những sườn núi trọc ở phía tây (phía Haiti). Cả hòn đảo từng phủ kín màu xanh khi Columbus đặt chân tới đây hơn 500 năm trước. Ngày nay, rừng còn phủ 28% diện tích Cộng hòa Dominica trong khi con số này ở Haiti láng giềng chỉ là 1%.

Thực tế là phần Dominica đón nhận nhiều mưa hơn và những con sông chính đều đổ về những thung lũng màu mỡ phía đông hòn đảo. Tuy nhiên, nền nông nghiệp lại bắt đầu phát triển trước và rực rỡ ở phía tây khi chính quyền thực dân Pháp biến Haiti thành thuộc địa mang lại nhiều lợi nhuận cho mình trong khi người Tây Ban Nha dường như bỏ quên Dominica.

Để có nhân lực làm việc trên các đồn điền, người Pháp đã tiếp nhận rất nhiều nô lệ da đen từ châu Phi thay thế những thổ dân chết dần chết mòn vì dịch bệnh. Dân số đông trên một mảnh đất chật chội là lý do khiến những cánh rừng ở Haiti dần dần biến mất và đất đai ngày càng thoái hóa, trong khi những thuyền buôn nô lệ rời đất nước này với hàng tấn gỗ tốt. Cuối thế kỷ 18, dân số Haiti đã gấp 7 lần Dominica và thuộc địa nhỏ bé này đóng góp đến 1/4 thu nhập của mẫu quốc Pháp.

Không có gì nghi ngờ, chính sách khai thác thuộc địa triệt để của người Pháp đã để lại cho Haiti một dân số đông đúc và một mảnh đất kiệt quệ. Nhưng không phải dân số hay môi trường quyết định vận mệnh đất nước này mà là cách ứng xử trước những thách thức này.

Những người nô lệ da đen - nay trở thành anh hùng của đất nước Haiti độc lập - đã có những chính sách cực đoan: thảm sát những người da trắng đồng hương gây chia rẽ xã hội, chia đồn điền thành những mảnh vườn gia đình nhỏ và tàn phá hệ thống hạ tầng nhằm chấm dứt mong muốn thuộc địa hóa của các đế quốc nhưng đồng thời cũng kết thúc các hoạt động giao thương và làm nền sản xuất trở thành tự cung - tự cấp và vô cùng kém hiệu quả.

Sự tàn phá rừng, bắt nguồn từ tham nhũng và vô trách nhiệm, cuối cùng đẩy đất nước tới thảm cảnh mất mùa và lũ lụt.

Cộng hòa Dominica cũng không có lịch sử bình yên. Quốc gia này trải qua rất nhiều chế độ thuộc địa và độc tài, trong đó có 22 năm bị Haiti chiếm đóng. Điều khác biệt với Haiti là các chính quyền ở phía đông đảo Hispaniola quan tâm đến bảo vệ môi trường. Bộ luật địa phương đầu tiên về hạn chế khai thác gỗ và bảo vệ nguồn nước được thông qua vào năm 1901.

Cuối những năm 1920, người dân và chính quyền ở thành phố Santiago góp tiền mua đất bên bờ sông Yaque và biến thành khu bảo tồn thiên nhiên. Nhà độc tài Trujillo sau khi nắm quyền đã cho thiết lập vườn quốc gia đầu tiên vào năm 1934.

Các vườn quốc gia tiếp tục ra đời và mở rộng dưới thời tổng thống dân cử Joaquín Balaguer từ năm 1966. Ông chuyển lực lượng kiểm lâm từ Bộ Nông nghiệp sang quân đội để chấm dứt nạn phá rừng, đồng thời tuyên bố khai thác rừng phi pháp là đe dọa an ninh quốc gia. Tiếp theo, ông cho nhập khẩu khí đốt từ Venezuela và trợ giá cho nhiên liệu này để thay thế hoàn toàn việc chặt phá rừng lấy củi, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của những cánh rừng cuối cùng tại Haiti nghèo khó.

Mặc dù bản thân Balaguer cũng không có một tiểu sử chính trị trong sạch và những chính sách môi trường đôi khi quá cực đoan của ông gây chia rẽ trong xã hội, nhưng nỗ lực phủ xanh đất nước của ông đã giúp Dominica trở thành điểm du lịch và nhà xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu châu Mỹ.

Cuối cùng, như giáo sư về lịch sử tự nhiên Jared Diamond đã chỉ ra: sự khác biệt môi trường giữa hai quốc gia chỉ cách nhau một dòng sông sẽ trở nên vô nghĩa trong một thế giới toàn cầu hóa. Những dòng người tị nạn thiên tai và kinh tế từ Haiti đổ sang khiến xã hội Dominica xáo trộn và những cánh rừng phía đông biên giới bắt đầu bị chặt phá bởi những người Haiti khốn khổ.

Lịch sử có thể đã làm nên hai quốc gia khác biệt trên một hòn đảo nhỏ nhưng những thách thức môi trường toàn cầu trong hiện tại và tương lai sẽ không phân biệt nhân loại bằng màu da, quan điểm hay thu nhập.

Theo Tuoitre
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video