Một "sát thủ hành tinh" sắp ập xuống Trái đất

Các nhà thiên văn học gọi nó là "sát thủ hành tinh", một khi va vào Trái đất sẽ gây ra thảm họa diệt vong sinh thái.

Các nhà thiên văn học gần đây đã phát hiện ra một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2022AP7, với đường kính 1.500 mét, quỹ đạo của tiểu hành tinh này chuyển động bên trong quỹ đạo của Trái đất và cắt với quỹ đạo của Trái đất. Các nhà thiên văn học gọi tiểu hành tinh lớn như vậy là "sát thủ hành tinh", một khi va vào Trái đất sẽ gây ra thảm họa diệt vong sinh thái.


Quỹ đạo của tiểu hành tinh 2022AP7.

Loại tiểu hành tinh này rất khó tìm thấy vì nó nằm khuất theo hướng của Mặt trời và tia nắng Mặt trời quá mạnh sẽ che mất tung tích của chúng. Các kính viễn vọng lớn, tiên tiến như Hubble và Webb phải được che chắn khỏi ánh sáng chói của Mặt trời, thứ có thể làm hỏng hệ thống quang học mỏng manh của chúng và khiến chúng không thể phát hiện ra các tiểu hành tinh như vậy.

Các nhà thiên văn học đã tận dụng khoảng thời gian cửa sổ ngắn vào lúc hoàng hôn và sử dụng Máy ảnh Năng lượng Tối (DECam) được lắp đặt trên kính viễn vọng 4 mét Víctor M.Blanco tại Đài quan sát Liên Mỹ của núi Tololo ở Chile để khám phá ba tiểu hành tinh quay quanh Trái đất. Ngoại trừ 2022 AP7, hai tiểu hành tinh còn lại được đánh số là 2021LJ42021PH27, cả hai đều có kích thước hàng km.

Hai tiểu hành tinh này có quỹ đạo giao nhau với Trái đất ít hơn, trong khi 2022 AP7 lại có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với Trái đất.

Khi 2022 AP7 được phát hiện, nó đang di chuyển cách Trái đất 30 triệu km, dường như là một khoảng cách an toàn. Nhưng sau khi tính toán, quỹ đạo của tiểu hành tinh này sẽ tiếp tục tiếp cận Trái đất và nó có khả năng tiếp xúc gần với Trái đất vào một thời điểm nào đó trong tương lai.


Khi 2022 AP7 được phát hiện, nó đang di chuyển cách Trái đất 30 triệu km.

Về việc khi nào 2022 AP7 sẽ tiếp xúc với Trái đất, các nhà thiên văn học vẫn chưa thể đưa ra phán đoán và dù sao thì nó cũng sẽ không xuất hiện vào năm 2023.

Trên thực tế, ở vùng lân cận Trái đất, có tới 19.500 tiểu hành tinh đã được phát hiện, trong đó có hơn 2.000 tiểu hành tinh có đường kính hơn 1km và hàng trăm tiểu hành tinh có đường kính 4km. Quỹ đạo của những tiểu hành tinh này sẽ giao nhau với quỹ đạo của Trái đất và bất kỳ tiểu hành tinh nào tiếp xúc gần với Trái đất đều có thể gây ra những mối đe dọa đối với loài người.

65 triệu năm trước, một tiểu hành tinh 10 km đã đâm xuống Trái đất khiến loài khủng long thống trị Trái đất trong 165 triệu năm biến mất, 85% loài bị tuyệt chủng, điều này đã làm thay đổi hướng tiến hóa của hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta.

Tuy nhiên vụ va chạm này để lại một miệng hố có đường kính khoảng 280 km ở bán đảo Yucatan của Mexico, năng lượng va chạm của nó tương đương khoảng 120 nghìn tỷ tấn thuốc nổ TNT, tương đương hơn 10.000 lần tổng số quả bom hạt nhân trên thế giới phát nổ.


Tốc độ quỹ đạo của 2022 AP7 là 17,38km/s.

Theo thông tin được các nhà khoa học tiết lộ, chu kỳ quỹ đạo của 2022 AP7 (một vòng quanh Mặt trời) là 1.830 ngày (5,01 năm), điểm viễn nhật là 5,01AU (đơn vị thiên văn, 1AU khoảng 150 triệu km) và điểm cận nhật là 0,83 AU, nó được coi là có đường kính trung bình khoảng 1,5 km.

Tốc độ quỹ đạo của 2022 AP7 là 17,38km/s, nhưng nó sẽ không ở tốc độ này khi va chạm với Trái đất, mà là tốc độ chồng lên tốc độ quay của Trái đất, vì vậy các nhà khoa học cho rằng nó sẽ va chạm với Trái đất với tốc độ 20km/s.

Theo cách này, chúng ta có thể tính toán đơn giản theo công thức năng lượng tác động E=1/2mv^2 và chúng ta có thể nhận được rằng năng lượng của 2022 AP7 khi va chạm với Trái đất là khoảng 7*10^20J, tức là 7 nghìn tỷ tỷ joules, nghĩa là tương đương với 167,3 tỷ tấn TNT tương đương, tức là khoảng 12,87 triệu quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima phát nổ cùng lúc.

Bạn phải biết rằng tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới chứa sức mạnh chưa đến 10 tỷ tấn TNT, theo cách này, sức mạnh của 2022 AP7 tương đương với sức mạnh của tất cả bom hạt nhân trên thế giới được chồng lên gần 17 lần.

Mặc dù tính toán này không chính xác lắm nhưng năng lượng va chạm cũng sẽ thay đổi theo tốc độ va chạm và mật độ của tiểu hành tinh.Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử và nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu một tiểu hành tinh có kích thước vài chục mét đâm vào một khu vực đông dân cư, nó sẽ phá hủy một thành phố; nếu một tiểu hành tinh có kích thước hơn 100 mét rơi xuống, nó có thể phá hủy một đất nước. Theo đó một tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn một cây số đâm vào Trái đất sẽ đủ sức mạnh mang đến thảm họa tàn khốc cho loài người và hệ sinh thái.

Những cơn sóng thần và động đất khổng lồ sẽ lần lượt tấn công thế giới, và các thành phố ven biển có thể bị nhấn chìm hoàn toàn; lửa và khói che khuất Mặt trời, và những sinh vật sống sót sau thảm họa sẽ phải gánh chịu hậu quả của mùa đông hạt nhân: tất cả thực vật mất khả năng quang hợp và chết, động vật ăn cỏ là loài đầu tiên bị tuyệt chủng, động vật ăn thịt cũng theo đó mà diệt vong, chuỗi thức ăn bị phá vỡ tạo thành sự tuyệt chủng hàng loạt các loài, kể cả vi sinh vật.


Tiểu hành tinh 2022 AP7 sẽ không gây ra mối đe dọa lớn cho Trái đất trong tương lai gần.

Một số người có thể nghĩ rằng con người có thể có nhiều công nghệ cao để tự cứu mình. Tuy nhiên, dưới tác động của thảm họa toàn cầu, các thành phố ven biển phát triển nhất đều bị nhấn chìm, không khí toàn cầu ô nhiễm, nước, điện, giao thông bị cắt đứt khiến mọi hoạt động sản xuất và đời sống hiện đại trở nên không bền vững.

Mùa đông hạt nhân có thể không kéo dài, bề mặt Trái đất có thể lại nhìn thấy ánh sáng Mặt trời sau vài năm hoặc chục năm. Nhưng Trái đất lúc này không còn là Trái đất mà chúng ta biết nữa, các giống loài ban đầu về cơ bản sẽ tuyệt chủng, và sự tiến hóa của sự sống mới sẽ mất hàng chục nghìn, thậm chí hàng chục triệu năm để có thể phát triển trở lại.

May mắn thay, theo dõi khoa học đã phát hiện ra rằng những tiểu hành tinh đe dọa Trái đất này, bao gồm cả 2022 AP7, sẽ không gây ra mối đe dọa lớn cho Trái đất trong tương lai gần. Chúng ta vẫn còn thời gian để đoàn kết và hợp tác để phát triển khoa học, cùng nhau đối phó với thảm họa có thể xảy ra.

Cập nhật: 09/02/2023 PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video