Vị trí của thiên thể 310442 (2000 CH59) sẽ gần hành tinh của chúng ta nhất vào sau ngày lễ Giáng sinh, NASA cho biết.
Quỹ đạo của Trái Đất và tiểu hành tinh 2000 CH59. (Ảnh: Time Now News).
Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA ước tính tiểu hành tinh có đường kính gần 620m, lớn hơn cả chiều cao của Tháp Tự do hay Trung tâm Thương mại Thế giới 1 ở New York, Mỹ. Mặc dù được mô tả là "bay gần Trái Đất" theo thuật ngữ thiên văn, 2000 CH59 trên thực tế vẫn cách chúng ta đủ xa nên không cần phải lo lắng, Paul Chodas, Giám đốc CNEOS nói trên tạp chí Newsweek.
Tiểu hành tinh theo tính toán của các nhà thiên văn học sẽ bay gần Trái Đất nhất vào lúc 2h54 chiều ngày 26/12 theo giờ Hà Nội, cách chúng ta chừng 7,2 triệu km. Khi đó, nó di chuyển với tốc độ 44.300km trên giờ, nhanh gấp 18 lần máy bay phản lực F-16.
Đồ họa mô phỏng tiểu hành tinh 2000 CH59. (Ảnh: Newsweek).
"Trải qua nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ, đường bay của những tiểu hành tinh như 2000 CH59 có thể phát triển thành quỹ đạo giao với Trái Đất. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục theo dõi chúng trong nhiều thập kỷ tới", Chodas nhấn mạnh.
CH59 được phân loại là "có khả năng gây nguy hiểm" bởi đường kính lớn và quỹ đạo trong tương lai dự kiến có thời điểm chỉ còn cách Trái Đất 0,05 đơn vị thiên văn (khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời). Tiểu hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 2/2/2000 và các nhà thiên văn học đã liên tục theo dõi nó kể từ đó.