Tuần trước, anh Lê Huy ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), mua hai USB trên chợ Tân Thanh (Lạng Sơn). Sau một ngày dùng, một chiếc cắm vào máy tính không nhận, còn chiếc kia rơi xuống đất vỡ tan tành.
Cứ mỗi dịp cuối năm, nhiều người dân từ khắp mọi nơi lại kéo lên chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mua sắm chuẩn bị cho dịp năm mới. Nơi đây bày bán toàn hàng Trung Quốc, đặc biệt rất nhiều hàng điện tử. Tuy nhiên, chất lượng hàng ở đây không tốt, nhiều trường hợp, hàng chưa dùng được bao lâu đã hỏng.
Một tủ kính bày bán Ipod, USB tại chợ Tân Thanh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sự việc không có gì để nói nếu như cả hai chiếc USB kia không sao. Vấn đề là chỉ sau đúng một hôm, một chiếc anh lỡ tay đánh rơi xuống đất đã bung hết vỏ và bo mạch bên trong. Chiếc thứ hai (loại 1 GB) "copy" và "paste" nội dung mình cần xong thì treo cứng cả máy, ngày hôm sau cũng hỏng luôn. Loay hoay suốt cả buổi, anh Huy đành “bó tay” và ngao ngán xót xa: “Tưởng vớ được hàng rẻ, hóa ra vẫn còn quá đắt”.
Trên là trời, dưới là đồ điện tử
Đi quanh tất cả các chợ ở cửa khẩu Tân Thanh, bạn sẽ thấy nhan nhản các chủng loại, mẫu mã USB, loại nào cũng mang những cái tên nổi tiếng như Sony, IBM, Jogr... Không chỉ USB, ở đây còn có điện thoại di động với đầy đủ hãnh hiệu, như Nokia , O2, Sony Ericsson, với các model quen thuộc. Thiết bị nghe nhìn thì có đầu đĩa hình California, Samsung, Sony, Toshiba, Sharp… Nhìn qua thì mẫu mã rất đẹp và hấp dẫn, tuy nhiên khó có thể biết được chất lượng thế nào.
Cùng cảnh mua phải đồ điện tử dởm tại Lạng Sơn, chị Bích Dung ở phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội) mua một chiếc điện thoại di động nhái Nokia N73 của Trung Quốc. Máy trông đẹp như hàng thật mà giá khá “bèo”, chỉ 1,5 triệu đồng. Trên điện thoại cũng thấy ghi camera 3,2 Megapixel, máy phát nhạc MP3 inh ỏi, màu sắc sáng, bắt mắt lại có kèm thẻ nhớ 256 MB chẳng khác nào hàng "xịn". Chị Dung kể, trước đây có người bảo rằng điện thoại nhái của Trung Quốc dùng nhanh hỏng lắm, nhưng chị để ngoài tai. "Đúng một tuần sau ngày mua, chiếc N73 dởm này tịt ngóm mà chẳng biết lý do tại sao. Mang ra ngoài hàng sửa, thợ bảo hỏng bo mạch, phải thay mất 1 triệu đồng, gần bằng tiền máy", chị Dung bức xúc.
Điện thoại Trung Quốc nhái hàng xịn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Máy nghe nhạc số cũng là mặt hàng được bày bán khá nhiều tại đây. “Khổ một nỗi, vừa mua đã hỏng!”, anh Thành, nhà ở Lò Đúc (Hà Nội), than thở. Anh là "khổ chủ" của chiếc máy nghe nhạc MP4 mới dùng được 2 tuần mà "cắm vào máy tính không nhận".
Anh Minh Hồng, một thợ sửa chữa điện tử lành nghề ở khu Nam Đồng (Hà Nội), hàng ngày nhận sửa rất nhiều điện thoại và đầu DVD hỏng chỗ nọ chỗ kia, phần lớn đều là hàng Trung Quốc. Anh Hồng cho rằng, “thực ra nếu biết chọn hoặc may mắn thì người mua sẽ kiếm được một chiếc rất tốt trong đống hàng chất lượng tốt, xấu lẫn lộn".
Anh Dương ở Phúc Xá (Hà Nội), một người từng dùng rất nhiều đồ mua về từ các chợ vùng biên giới trên Lạng Sơn, rút ra kinh nghiệm: Nên xem xét kỹ giữa giá cả và chức năng của hàng điện tử ở đây. Đồ nào hay mà giá rẻ thì càng phải thận trọng. Tuy nhiên, để tránh khỏi tâm lý xót tiền, uất ức khi "vừa mua đồ đã thấy hỏng", anh nói, "tốt nhất nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành đàng hoàng".
Hoàng Hà