Các trạm theo dõi ở biên giới Trung Quốc - Triều Tiên phát hiện xu hướng phóng xạ gia tăng, nhưng các chuyên gia nghi việc này có thể do nguyên nhân tự nhiên thay vì vụ thử bom H.
South China Morning Post cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang xem xét liệu mức gia tăng nhỏ, nhưng đều đặn, trong mức độ phóng xạ môi trường mà các trạm quan sát ở biên giới ghi nhận được có liên quan đến vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên không.
Một nhà khoa học thuộc nhóm tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về việc ứng phó các nguy hiểm phóng xạ nói rằng sự thay đổi trên có thể vì nguyên nhân tự nhiên và không liên quan vụ thử hạt nhân, dù vậy xu hướng này là "đáng chú ý".
Theo số liệu do Bộ Môi trường Trung Quốc cung cấp, mức phóng xạ ở huyện tự trị dân tộc Triều Tiên Trường Bạch, khu vực gần nhất của Trung Quốc đến khu thử hạt nhân Punggye-ri, đã tăng dần từ mức trung bình 104,9 nanogray/h vào hôm 3/9 lên thành 108,5 nanogray/h vào ngày 5/9.
Khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. (Ảnh: Reuters).
Đến sáng 6/9, mức phóng xạ trung bình ở đây đã lên đến 110,7, mức phóng xạ khi đạt đỉnh là 112,5 nanogray/h. Huyện tự trị dân tộc Triều Tiên Trường Bạch cách khu thử hạt nhân Punggye-ri 80km.
Guo Qiuju, giáo sư về bảo vệ phóng xạ tại khoa vật lý của Đại học Bắc Kinh, nói rằng vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân của xu hướng gia tăng phóng xạ tại khu vực gần các trạm theo dõi. Theo bà Guo, công chúng không cần lo lắng vì chính quyền vẫn chưa phát hiện được nguyên tố nào đáng khả nghi.
"Nếu có chuyện gì xấu xảy đến, tôi sẽ được thông báo ngay. Tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi đó", bà nói.
Guo giải thích rằng mức cảnh báo phóng xạ thay đổi trong 20 nanogray là chuyện bình thường do ảnh hưởng của gió, mưa và tia vũ trụ. Cho đến lúc này, mức phóng xạ thu được vẫn dưới mức gây hại cho sức khỏe con người.
Dù vậy, nỗi lo phóng xạ vẫn đeo bám 100.000 cư dân nơi đây. Chủ một nhà hàng gần trạm theo dõi ở Trường Bạch cho biết: "Sau cú sốc hôm chủ nhật (3/9) các con đường đều yên lặng. Mọi người thích ở trong nhà với chiếc điện thoại của họ, lên mạng xã hội để bày tỏ nỗi lo lắng".
Trong khi đó, theo hình ảnh vệ tinh thu được từ Punggye-ri, vụ nổ khoảng 100.000 tấn TNT đã kéo theo một vài vụ lở đất.