Mỹ bắt được tín hiệu lạ từ nơi cách Trái đất 1,3 tỉ năm ánh sáng

Chớp sóng vô tuyến mờ nhạt nhất mà nhân loại từng bắt được có thể giúp giải quyết bí ẩn lâu đời về loại tín hiệu vũ trụ ma quái này.

Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Viện Vật lý thiên văn Quốc gia Ý (INAF) đã tìm ra nguồn gốc của tín hiệu lạ lùng mang mã số FRB20201124A kính viễn vọng vô tuyến nhạy nhất thế giới Very Large Array (VLA, đặt tại Mỹ) bắt được.

Vật thể bí ẩn gửi đi tín hiệu đó không phải một vụ sáp nhập lỗ đen, sao neutron hay công nghệ của người ngoài hành tinh, mà là một cấu trúc thuộc hàng đẹp mắt và ma quái nhất của vũ trụ.


Sao từ và tinh vân tuyệt đẹp quanh nó có thể là nguồn gốc của dạng tín hiệu vô tuyến mạnh mẽ và bí ẩn thường xuyên khuấy động các đài thiên văn Trái đất - (Ảnh đồ họa: NSF/AUI/NRAO)

Theo SciTech Daily, FRB20201124A là một chớp sóng vô tuyến, loại tín hiệu thiên văn gây tò mò nhất cho giới khoa học.

Chúng phát ra chỉ trong vòng vài mili giây, nhưng giải phóng một mức năng lượng khổng lồ, là một trong những nguồn năng lượng cao nhất có thể quan sát được trong các hiện tượng vũ trụ.

Đó cũng là lý do FRB20201124A có thể truyền đến tận đài thiên văn Trái đất dẫu nguồn phát ra nó nằm cách chúng ta tận 1,3 tỉ năm ánh sáng.

Vì khoảng cách quá xa, FRB20201124A trong dữ liệu VLA cũng rất mờ nhạt, có thể nói là chớp sóng vô tuyến yếu nhất từng được ghi nhận.

Tuy nhiên, nó giúp các nhà thiên văn lập nên một mô hình đột phá có thể giúp giải thích nguồn gốc chung của chớp sóng vô tuyến.

Thứ hợp lý nhất có thể tạo ra FRB20201124A là một bong bóng plasma khổng lồ, có thể được tạo ra bởi sự phát xạ vô tuyến liên tục của một sao từ hoặc một hệ sao đôi tia X tích tụ cao.

Bong bóng này tạo thành một tinh vân tuyệt đẹp, ma quái, có "nhân" là ngôi sao từ đang hoạt động, có thể nhìn thấy dưới ánh sáng mà các kính viễn vọng vô tuyến thu thập được, nếu chúng ta ở đủ gần.

Sao từ cũng là sao neutron, nhưng là một dạng sao neutron cực đoan, mạnh mẽ hơn sao neutron thường rất nhiều.

Còn sao neutron là phần còn lại của những ngôi sao khổng lồ đã "chết", nhỏ bé nhưng giàu năng lượng.

Trong khi đó, hệ sao đôi tia X tích tụ cao sẽ bao gồm một sao neutron hoặc lỗ đen , tích tụ vật chất từ một ngôi sao đồng hành với tốc độ rất mạnh.

Nghiên cứu chi tiết vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature và có sự tham gia của nhiều cơ sở nghiên cứu khác tại Ý, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha và Đức. Tuy vậy, theo các tác giả, việc hiểu được nguồn gốc khả thi của chớp sóng vô tuyến chỉ mới là thêm một mảnh ghép để giải câu đố lớn về bản chất của các nguồn tín hiệu vũ trụ bí ẩn này.

Cập nhật: 26/09/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video