Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vừa cho trình làng một loại phương tiện lưỡng cư mới của họ, được thiết kế để đổ bộ lên các bãi biển, chuyên chở binh lính và vượt qua các chướng ngại vật trên cạn.
Cỗ xe có tên gọi chính thức là "Bộ nối lưỡng cư siêu tải trọng" (UHAC) vừa chính thức được cho ra mắt tại trung tâm huấn luyện của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Hawaii trong một cuộc diễn tập kéo dài cả tháng trời.
Đây là sản phẩm sáng tạo của phòng thí nghiệm chiến đấu lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trong giai đoạn diễn tập trên biển của cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rimpac), quy tụ 22 nước tham gia với 25.000 quân nhân, hơn 40 tàu chiến và tàu ngầm cùng với hơn 200 trực thăng được trang bị những công nghệ mới và tân tiến nhất.
Phiên bản thử nghiệm mới chỉ đạt quy mô bằng 1/2 chiếc xe UHAC thực sự. Nó được chế tạo từ nhôm, dài 13 mét, rộng 8 mét và cao 5 mét.
Tuy nhiên, khi được đưa vào hoạt động, một chiếc UHAC hoàn chỉnh sẽ dài 25 mét và cao 10 mét. Cỗ xe dự kiến sẽ chuyên chở được hàng hóa có tổng khối lượng lên tới 200 tấn, tương đương 3 xe tăng M1A1. Siêu xe lưỡng cư này cũng có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 40km/h, di chuyển xa tới 320km và có khả năng trườn qua các chướng ngại vật, chẳng hạn như những đê chắn nước biển cao 3 mét.
Theo nhà chức trách Mỹ, mẫu UHAC bao gồm 2 bánh xích hình thành từ hàng chục khối nhựa bọt bơm căng không khí, tạo lực đẩy cho xe khi cần di chuyển trên cạn hoặc trên biển. Ở dưới nước, các bánh xích này đóng vai trò như bơi chèo, nhưng ở trên mặt đất, chúng tương tự như những bánh xích của một chiếc xe tăng, giúp cỗ xe vượt qua nhiều địa hình hiểm trở như bùn và cát.
Siêu xe lưỡng cư cũng hiếm khi để lại dấu vết trên mặt đất do nó dàn phẳng khi tác động vào bề mặt cứng. Trong một thử nghiệm, chiếc xe to lớn này đã đi hết một con đường nhựa mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. UHAC cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ di chuyển tới chỗ tàu đổ bộ USS Rushmore, tiếp nhận một xe chiến đấu và đưa nó trở lại bờ biển.
Tiến sĩ Frank Leban, quan chức phụ trách dự án tại Văn phòng nghiên cứu của Hải quân Mỹ, cho biết: "Chúng tôi phải mất nhiều năm phát triển mới đạt được thành tựu như hiện tại ... Phòng thí nghiệm chiến đấu của lực lượng Hải quân đã có những minh họa và đề ra các viễn cảnh sử dụng UHAC trong tương lai".