Thiết kế mới này nhằm giúp drone có thể tự chủ động hoạt động một cách hiệu quả hơn, đưa ra quyết định chính xác và kịp thời trước những tình huống bất khả kháng hoặc gặp chướng ngại vật mà không cần sự can thiệp của con người.
Quân đội Hoa Kỳ vừa cho ra mắt một sản phẩm đầy tính cạnh tranh trên thị trường thiết bị bay không người lái (drone). Loại thiết bị mới này mô phỏng cách bay của dơi trong tự nhiên và hoạt động tự động bằng laser mà không cần sự điều khiển của con người.
Thiết kế drone lấy cảm hứng từ dơi giúp thiết bị này có thể bay lượn dễ dàng và không cần sự điều khiển của con người. (Ảnh: Science Robotics).
Trong nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu không ngừng mô phỏng thao tác của những động vật trong tự nhiên để máy móc hoạt động mượt mà và hiệu quả hơn. Nghiên cứu sinh học về các loài động vật nhanh nhẹn như dơi, côn trùng đã đem lại nhiều hiểu biết mới về động lực học phức tạp trong thao tác và khối lượng cơ thể của chúng.
Những tiến bộ về cảm biến, sự tinh giản hóa cùng các thiết bị vi xử lý cùng thuật toán cấp cao, giúp hệ thống máy tính xử lý được hàng loạt các hoạt động của thân máy theo thời gian thực với độ chính xác cao, giống như cách bộ não của những loài động vật xử lý các thao tác của chúng.
Khi các thiết bị bay hoạt động trong những vùng đô thị đông người hoặc không gian chật hẹp, người điều khiển bằng thiết bị từ xa rất khó khăn để điều khiển thiết bị bay đúng theo ý muốn mà không va chạm vào chướng ngại vật.
Timothy Chung thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: “Cơn sốt về thiết bị bay tự lái và trí tuệ nhân tạo đang lan rộng trong các phòng thí nghiệm trên toàn cầu, bằng việc đầu tư và mở các cuộc thi tìm kiếm, chúng tôi sẽ đuổi kịp công nghệ hiện đại và kịp thời ứng dụng chúng để phục vụ tốt hơn cho quân đội”.
Ngoài ra, trong cuộc thi thường niên về chế tạo các thiết bị bay không người lái được tổ chức bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhiều thiết kế sáng tạo về drone chú trọng vào công suất phát xạ, truyền tải điện không dây, vật liệu tổng hợp mềm dẻo, cảm biến nhạy để di chuyển và xử lý tự động một cách chính xác.
Mục đích sau cùng sẽ là hệ thống những robot và thiết bị tự điều khiển, giảm thiểu sự tác động từ con người, có thể phân tích được tình hình theo thời gian thực và hỗ trợ quân đội trong thời đại kỹ thuật số ở cả mặt đất và trên không trung.
Chương trình OFFSET về nghiên cứu và phát triển kỹ thuật cho quân đội của Lầu Năm Góc trong nhiều năm trở lại đây đã bắt đầu tìm kiếm những hệ thống thông minh mới có thể thay thế một tập thể người làm việc cùng nhau.
Thiết bị bay tự lái lấy cảm hứng từ sóc bay chuyền cành trước đây của Quân đội Hoa Kỳ. (Ảnh: Science Robotics).
Chương trình này hiện đang triển khai sản xuất hơn 250 robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, với kiến thức được thiết kế trên những trò chơi chiến thuật và quân sự. Cứ sáu tháng một lần, những con robot sẽ được tiến hành thử nghiệm từ hệ thống lập trình đến khả năng phòng vệ/tấn công bằng vật lý.
Hiện thiết bị bay không người lái hình dơi này vẫn là thiết kế đang được thử nghiệm. Trong quá khứ Quân đội Mỹ cũng đã sản xuất drone theo cảm hứng sóc bay, có thể bay lượn trong không trung giống như loài sóc chuyền cành.