Lãnh đạo hai nước Mỹ Latin đã cảnh báo về những ảnh hưởng của việc sản xuất nhiên liệu sinh học với cung cấp lương thực.
Phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định, việc phát triển nhiên liệu sinh học gây tổn hại đến những người nghèo khổ nhất thế giới.
Còn Tổng thống Alan Garcia của Peru cho rằng, sử dụng đất để sản xuất nhiên liệu sinh học đã khiến cho lương thực không thể tới tay người nghèo.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown đang chủ trì một cuộc họp để thoả luận về chính sách của châu Âu với việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Trước cuộc gặp, ông Brown nói, Anh cần "có sự tuyển chọn tốt hơn" với nhiên liệu sinh học.
Nhiều diện tích gieo trồng đã được sử dụng cho cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. (Ảnh AP) |
EU đang bị những lời chỉ trích khi đặt ra mục tiêu sản xuất 10% nhiên liệu vận chuyển từ cây trồng vào năm 2020. Người phụ trách Chương trình Lương thực Thế giới và phụ trách Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng tham dự cuộc họp tại London.
Dự án nhiên liệu sinh học bio-ethanol
Phát biểu tại diễn đàn LHQ về ảnh hưởng của thay đổi khí hậu với những người dân bản địa, ông Morales nói, việc phát triển công nghiệp ồ ạt không kiểm soát chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cạn kiệt tài nguyên tự nhiên. Ông còn nói: "một số lãnh đạo Nam Mỹ nói tới nhiên liệu sinh học mà không hiểu đang nói về cái gì".
Phóng viên BBC Daniel Schweimler cho rằng, Tổng thống Bolivia đã ám chỉ tuyên bố của người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, khi ông này tuyên bố nước ông đủ đất để phát triển lương thực cũng như trồng cây cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Tuần trước, ông Lula đã bác bỏ những viện dẫn cho rằng, sản xuất nhiên liệu sinh học là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng giá lương thực toàn cầu.
Hôm thứ Hai, Brazil đã thông báo về dự án tại Ghana phát triển mía đường cho bio-ethanol. "Tại Ghana, chúng tôi đang phát triển một dự án mà kết quả là trồng 27.000ha mía đường để sản xuất 150 triệu lít ethanol mỗi năm nhằm cung cấp cho thị trường Thuỵ Điển", ông Lula, nói.
Về phần mình, Tổng thống Peru Garcia cho rằng, nhu cầu nhiên liệu sinh học đẩy sản xuất lương thực thế giới tới bờ vực của nguy cơ. Hơn 40% người Peru - khoảng 12 triệu người - sống dưới mức nghèo khổ và ngày càng chịu tác động nặng nề của giá cả gia tăng.