Mỹ phóng vệ tinh thời tiết thế hệ mới

Vệ tinh GOES-R (Vệ tinh Địa tĩnh Môi trường Nghiệp vụ - thế hệ R) được phóng lên quỹ đạo ở vị trí cách Trái đất 35.800km - gần bằng một phần mười khoảng cách từ Trái đất đến Mặt Trăng.

GOES-R sẽ ghi lại hình ảnh các hiện tượng thời tiết và khí quyển ở Mỹ với tốc độ 30 giây/ảnh, nhanh hơn rất nhiều so với khoảng thời gian vài phút mà các vệ tinh GOES hiện tại thực hiện. Những hình ảnh được chụp nhanh này sẽ cho phép theo dõi tiến triển của các cơn bão, hoặc quá trình lan tỏa khói của những vụ cháy rừng hoặc tro bụi của núi lửa, để có phản ứng tốt hơn trong những trường hợp khẩn cấp.


Hình ảnh đồ họa của GOES-R.

Không chỉ chụp ảnh với tốc độ nhanh hơn, GOES-R còn chụp ảnh với độ sắc nét cao hơn và trên khoảng bước sóng rộng hơn so với vệ tinh GOES hiện tại. Theo Stephen Volz, phó quản lí tại NOAA (Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia), TP Silver Spring, bang Maryland, thì "Nó giống như tiến từ tivi đen trắng lên tivi có độ phân giải siêu cao vậy".

Có thể so sánh GOES-R với vệ tinh Himawari-8 của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản được phóng vào năm 2014, và Himawari-9 phóng vào ngày 1/11 vừa qua. Tất cả những vệ tinh này đều mang theo thiết bị chụp ảnh tiên tiến, quan sát Trái đất trong 16 dải bước sóng, từ vùng có ánh sáng có thể nhìn thấy bằng mắt thường đến vùng ánh sáng cận hồng ngoại, cung cấp những góc nhìn khác nhau về các hiện tượng khí quyển. Thực tế, những hình ảnh do Himawari-8 chụp lại đã tạo điều kiện cho các nhà khí tượng học đo được chính xác sự lan rộng của các chất ô nhiễm ở Đông Á.

Chạy thử nghiệm

Các nhà khí tượng học Mỹ đang kiểm tra khả năng dự báo mới của GOES-R so với hai vệ tinh GOES hiện tại. Tại nhiều thời điểm, bao gồm cả thời điểm diễn ra cơn bão Sandy năm 2012, NOAA đã chuyển một trong hai vệ tinh GOES sang chế độ quét siêu nhanh thử nghiệm, giúp cập nhật dữ liệu từng phút.

Bằng cách phân tích những dữ liệu thử nghiệm này, các nhà dự báo đã xác định được những xáo trộn trong khí quyển - dấu hiệu báo trước các cơn bão lớn, ngay từ khi chúng mới manh nha, và theo dõi được quá trình lan rộng của những đám cháy rừng – đôi khi lính cứu hỏa được triển khai trước cả khi người dân gọi điện báo tin. Những thử nghiệm khác liên quan đến việc theo dõi sự xuất hiện và tan sương mù tại các sân bay lớn, giúp những người kiểm soát không lưu điều hành các chuyến bay hiệu quả hơn.


Vệ tinh này mang theo thiết bị chụp ảnh tiên tiến, quan sát Trái đất trong 16 dải bước sóng.

Ngoài ra, vệ tinh GOES-R còn có nhiệm vụ đo các hạt phóng ra từ các vụ nổ trên Mặt trời. Nó cũng mang theo một thiết bị lập bản đồ chớp tinh vi để phân loại các tia sáng mỗi 20 giây hoặc nhanh hơn trong suốt cả ngày.

GOES-R do NASA và NOAA cùng nghiên cứu phát triển trong một dự án trị giá gần 11 tỉ đô la Mĩ, bao gồm chi phí cho GOES-R và ba vệ tinh tương tự khác sẽ lần lượt được phóng lên cho đến năm 2036.

Sau khi được phóng, GOES-R sẽ đi vào quỹ đạo tạm thời trong khi những người điều khiển kiểm tra các thiết bị của nó. Sau đó, NOAA sẽ đưa nó vào vị trí cố định ở phần đông hoặc tây nước Mỹ.

Cập nhật: 21/11/2016 Theo Tiasang
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video