4 thời kỳ virus
Năm 1986, một công ty phần mềm Pakistan đã viết một chương trình để bảo vệ phần mềm họ vừa tung ra thị trường. Nhưng ngược lại hoàn toàn với ý định ban đầu, chương trình này đã tàn phá dữ liệu của tất cả máy tính cài nó.
Chương trình này nằm trên đĩa mềm, tự sao chép, lây qua máy tính và tàn phá dữ liệu. Rồi từ máy tính, nó trở lại những đĩa mềm khác khi đưa vào máy. "Chương trình tàn phá" này được gọi là virus máy tính Brain. Đây là con virus máy tính hoang dã (tồn tại bên ngoài phòng thí nghiệm) đầu tiên trên thế giới, lúc đó còn có tên gọi khác là "cúm Pakistan".
Do phải sống nhờ vào "vật truyền bệnh" là đĩa mềm nên dòng virus Brain đã dần dần bị tuyệt chủng khi đĩa mềm ngày càng ít được sử dụng. Kế vị dòng virus Brain là dòng siêu virus, trị vì từ năm 1995-1999. Nếu như dòng virus Brain chỉ có thể lây từ máy này sang máy kia nhờ vào đĩa mềm đã nhiễm virus, thì dòng siêu virus lại ẩn trong các văn bản Word và những dạng tương tự. Khi gửi một văn bản đã nhiễm virus đến máy khác, ngay lập tức máy này sẽ bị nhiễm siêu virus. Tuy nhiên thời gian để siêu virus phát tán là rất lâu, vài tuần hoặc vài tháng.
Đến năm 1999, khi Internet thật sự phát triển mạnh trên toàn thế giới, con sâu email đầu tiên lại ra đời mang tên Love Bugs. "Tiến hóa" hơn dòng siêu virus, sâu Love Bugs chỉ mất vài giờ để phát tán và tàn phá máy chủ. Sự phát triển của Internet cộng với việc ra đời những mạng nội bộ nhỏ đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của virus. Vào năm 2001, sâu mạng đầu tiên có tên Blaster ra đời. Nó tự động xâm nhập bất kỳ máy tính sử dụng phần mềm Windows nào không được trang bị hệ thống bảo vệ đầy đủ.
Ngày nay việc khiến thế giới mạng tiêu tốn không ít chất xám và tiền bạc là các trojan. Không dừng ở việc phá những dữ liệu có trên máy chủ, trojan còn được thiết kế với mục đích xâm nhập máy tính để ăn cắp các thông tin và dữ liệu cá nhân như số tài khoản... Hơn nữa máy tính bị trojan xâm nhập sẽ chịu sự điều khiển hoàn toàn của hacker!
Ngày càng nguy hiểm
Trên thế giới hiện có khoảng 150.000 virus, sâu và trojan có nguy cơ tàn phá các máy tính. Dù đã được cảnh báo rất nhiều và các phần mềm chống virus liên tiếp được cập nhật nhưng thiệt hại mà virus máy tính gây ra là khổng lồ.
FBI vừa công bố các số liệu cho biết trong năm qua, 84% các công ty tại Mỹ đã bị các loại virus tấn công. Tổng thiệt hại của các công ty là 67,2 tỉ USD, chưa kể máy tính cá nhân gia đình. Theo thống kê tại Trung Quốc, có đến 80% máy tính tại nước này bị nhiễm virus. Còn tại Anh, mỗi năm ước tính người ta tốn khoảng 3 tỉ bảng Anh để chữa các máy tính cá nhân gia đình hết virus. Năm 2006 này theo dự báo, số máy tính bị tấn công sẽ tăng cao so với năm trước.
Nhìn lại quá trình phát triển của virus máy tính có thể thấy mục đích viết virus đã thay đổi đáng kể. Ông Mikko Hypponen, trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty chống virus Phần Lan F-Secure, nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất trong sự tiến hóa của virus máy tính là mục đích viết ra nó. Lúc đầu chỉ là trò tiêu khiển. Ngày nay là vụ lợi".
Qua lời của ông Hypponen có thể thấy virus sẽ còn biến dạng ngày một nguy hiểm hơn trong tương lai và sẽ không dừng lại ở chỉ riêng lĩnh vực máy tính. Có thể trong tương lai điện thoại di động cũng là một mảnh đất màu mỡ không kém!
KINH LUÂN