Nấm xoang - sát thủ giấu mặt

Căn bệnh nấm xoang rất dễ gây tử vong do biến chứng ở sọ. Nhưng bệnh khó phát hiện sớm vì không có triệu chứng gì đặc biệt.

Những khối nấm được lấy ra từ xoang (Ảnh: nld)
Chị Thành (làm vườn ở Phước Đồng, Khánh Hòa) thường nhức đầu vùng đỉnh và gáy trái cả năm trời, sau đó tê rần mặt trái và khịt mũi ra máu thường xuyên. Chị được điều trị viêm xoang nhưng bệnh không giảm. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi chụp CT-scan và phẫu thuật nội soi, chị được chẩn đoán là viêm xoang do nấm. Sau khi được dùng thuốc kháng nấm 1 tháng, mặt chị bớt tê, chỉ còn nhức đầu nhẹ.

Chị Thành may mắn vì được phát hiện kịp thời. Chị Trang (cũng làm vườn ở Chợ Lách, Bến Tre) lại có số phận khác hẳn. Bệnh nhân này bị viêm xoang sàng-bướm có biến chứng trong sọ, gây nhức đầu và nôn liên tục, người suy kiệt, mắt lồi và mờ, đồng tử giãn to. Dù được điều trị với thuốc kháng nấm nhưng do bệnh quá nặng nên sau đó chị tử vong.

Lạm dụng kháng sinh dễ bị nấm xoang

Tại khoa Mũi - Xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, trong những năm gần đây, mỗi năm khoa điều trị khoảng 70 ca nấm xoang, thường thấy ở xoang hàm và xoang bướm của những bệnh nhân viêm xoang lâu ngày, lạm dụng kháng sinh tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Thị Quỳnh Lan cho biết, bệnh nấm xoang trước kia không nhiều nhưng trong những năm gần đây, trên thị trường có nhiều loại kháng sinh mạnh, người bệnh dùng kháng sinh bừa bãi nên bệnh có chiều hướng gia tăng, gần gấp 3 lần so với trước.

Một nghiên cứu tại TP HCM cho thấy các ca nấm xoang đều mắc bệnh trên 1 năm, trong đó có gần 60% kéo dài 2-5 năm, thậm chí trên 5 năm. Bệnh thường gặp ở người làm nông hoặc sống, làm việc trong môi trường ẩm mốc, tiếp xúc thường xuyên với các loại ngũ cốc thối rữa, phân hữu cơ, rơm rạ mục nát... Nấm thường gặp trong xoang là aspergillus, gây bệnh khi có những yếu tố thuận lợi như bị tắc lỗ thông mũi xoang do viêm xoang mạn tính, polyp mũi xoang, có dị vật... Cùng một hoàn cảnh, những người bị suy giảm miễn dịch (có bệnh về máu, điều trị bằng hóa chất, ức chế miễn dịch) hoặc bệnh toàn thân như đái tháo đường, dùng corticoide kéo dài, kháng sinh phổ rộng... dễ bị nấm xoang hơn.

Tiến sĩ Trần Minh Trường, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, trong giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh không đặc biệt, trừ trường hợp có khịt đàm ra máu. Người bệnh thường nghĩ là mắc các bệnh thông thường (như nhức đầu, cảm...) nên bỏ qua hoặc không khám đúng chuyên khoa, vì thế bệnh được phát hiện trễ. Khi nấm xâm lấn vào các tổ chức chung quanh, bệnh cảnh thường nặng với các triệu chứng như choáng váng, mất thăng bằng, nôn, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như gây mù mắt, viêm màng não, vỡ động mạch cảnh, áp xe tuyến yên, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang...

Nếu bệnh được phát hiện sớm, việc điều trị cũng không phức tạp: bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng nấm sau khi đã phẫu thuật nội soi lấy khối nấm và rửa sạch dịch mủ trong xoang.

Theo Người Lao Động, VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video