Nhiều vùng khắp nơi trên thế giới, từ phía Bắc bán cầu, Trung Đông và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục.
Theo Sputnik, những mức nhiệt độ cao đáng kinh ngạc là kết quả của các khối không khí nóng khổng lồ và dai dẳng đáng kể đang xoáy quanh nửa phía Bắc của hành tinh.
Cả thế giới nóng rực với nhiều mức nhiệt kỷ lục. (Ảnh: Washington Post).
Vòm nhiệt khổng lồ và dai dẳng bao trùm các khu vực phía Đông Bắc Mỹ với nhiệt độ và độ ẩm cực đoan làm nên các kỷ lục như 40,5 độ C ngày 28/6 tại Colorado và 36,6 độ C ngày 2/7 tại Canada, trong đó kỷ lục ở Canada bao gồm nhiệt độ cao vào lúc nửa đêm.
Các dữ liệu hiện tại cho thấy vòm áp cao sẽ trở nên mạnh nhất trong vòng 30 năm qua. Tại châu Âu, nhiệt độ cực đoan bao trùm nhiều khu vực quần đảo Anh khiến đường xá và mái nhà biến dạng, theo Weather Channel.
Các khu vực ở Scotland chứng kiến mức nhiệt độ cao chưa từng có ở khoảng 33 độ C tại Glasgow, Greycook ngày 28/6. Ireland và Bắc Ireland cũng trải qua những mức nhiệt độ kỷ lục.
Khu vực Á Âu cũng phải hứng chịu nhiệt độ cao trong suốt 1 tuần qua, nhiệt độ 42 độ C tại Yerevan, Armenia cũng ở mức cao nhất khu vực này từng ghi lại được.
Nhiều vùng phía Nam nước Nga cũng nắng nóng kỷ lục ngày 28/6.
Các dữ liệu nắng nóng ở Bắc bán cầu bổ sung thống kê cho hiện tượng toàn cầu nóng lên, theo Sputnik. Nhiệt độ cao kỷ lục trên thế giới được ghi lại ở Pakistan hồi tháng 4/2018 ở mức 50,2 độ C.
Nửa cuối năm 2017, Hiện tượng nắng nóng cực đoan cũng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. San Francisco, California ở mức 41,1 độ C, Thượng Hải ở 40,8 độ C, Tây Ban Nha ở 46,8 độ C và Iran – Pakistan ở 53 độ C.
Cùng với việc trái đất đang nóng lên mỗi ngày, giới khoa học cảnh báo loài người sẽ phải đối diện thường xuyên hơn với những kỷ lục nhiệt độ cao, thậm chí cực đoan như thế này.