Các nhà khoa học NASA đánh gía rằng Trái đất đang giữ lượng nhiệt gấp đôi so với năm 2005.
Tờ Guardian (Anh) cho biết NASA và NOAA cho rằng mức “cân bằng năng lượng” tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2019 như vậy là “đáng báo động”.
Mặt Trời mọc tại California (Mỹ) trong đợt nóng năm 2020. (Ảnh: Reuters).
“Cân bằng năng lượng” là mức độ khác biệt giữa năng lượng bức xạ của Mặt Trời được khí quyển và bề mặt Trái đất hấp thụ so với lượng bức xạ hồng ngoại được đẩy trở lại vào không gian. NASA nhận định: “Cân bằng năng lượng dương đồng nghĩa với Trái đất đang hút nhiều năng lượng, gây ra tính trạng nóng lên”.
Hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất giữ nhiệt trong không khí, cản bức xạ hồng ngoại vốn phải quay trở lại không gian. Tình trạng này dẫn đến nhiều thay đổi như tan băng, nước bốc hơi mạnh và giảm mây.
Các nhà khoa học dựa trên dữ liệu từ cảm biến vệ tinh và thiết bị nổi trên biển để đưa ra kết luận.
Ông Norman Loeb, một nhà nghiên cứu của NASA, đánh giá nghiên cứu này cho thấy mối quan hệ với biến đổi khí hậu về dài hạn nhưng không thể dự đoán điều xảy ra trong vài thập niên tới đối với cân bằng quỹ năng lượng của Trái đất.
Năm 2020, nhóm các nhà hoa học thuộc tổ chức Climate Action Tracker dự đoán mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 2,9 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.. Con số này vượt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhưng Climate Action Tracker cũng nhấn mạnh nếu 127 quốc gia thực hiện được cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon thì mức tăng nhiệt sẽ là 2,1 độ C. Hơn 100 quốc gia đã cam kết đến giữa thế kỷ này đạt mục tiêu trung hòa khí carbon.