NASA đã phóng vệ tinh nghiên cứu thiên thạch có thể hủy diệt Trái Đất

Tàu vũ trụ Orisis-Rex sẽ thu thập mẫu vật trên tiểu hành tinh Bennu và mang trở về Trái Đất để nghiên cứu về thiên thạch có nguy cơ hủy diệt Trái Đất này.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phóng tàu thăm dò mang tên Osiris-Rex lên vũ trụ để thực hiện sứ mệnh kéo dài 7 năm, thu thập mẫu đá trên tiểu hành tinh Bennu nhằm tìm hiểu thêm về thiên thạch có nguy cơ hủy diệt Trái Đất này, BBC hôm nay đưa tin.


Tàu thăm dò Orisis-Rex sẽ thu thập mẫu vật trên tiểu hành tinh Bennu. (Ảnh: NASA).

Tàu thăm dò Osiris-Rex được phóng bằng tên lửa Atlas ở Florida, Mỹ vào tối 8/9 (theo giờ địa phương). Nó sẽ thực hiện nhiệm vụ trong 7 năm trước khi trở về Trái Đất cùng mẫu vật thu được. Mẫu vật sẽ được đặt trong một bình đựng và thả xuống sa mạc Utah vào ngày 24/9/2023.

Thiên thạch Bennu có đường kính 500m, hơn cả chiều cao tòa tháp Empire State ở Mỹ, và được cho là có khả năng va chạm gây hậu quả nặng nề cho Trái Đất. Các nhà khoa học Mỹ hy vọng Osiris-Rex sẽ thu được khoảng vài trăm gram vật chất từ tiểu hành tinh này, nhằm tìm hiểu chi tiết về cấu tạo của thiên thạch và cách nó đi qua hệ Mặt Trời.

Các kỹ sư đã phát triển một thiết bị thu thập mẫu vật gắn trên cánh tay robot vươn ra từ Osiris-Rex để chạm vào bề mặt Bennu. Khi tiếp xúc với bề mặt thiên thạch, thiết bị sẽ bắn ra một luồng khí áp suất cao, khiến các mảnh vỡ văng ra. Những mảnh vỡ sau đó được Osiris-Rex thu vào bình chứa và mang về Trái Đất.

Bennu được gọi là tiểu hành tinh "loại B". Quan sát từ kính thiên văn cho thấy nó mang nhiều hợp chất carbon. "Những vật chất nguyên sơ này có thể mang phân tử hữu cơ là tiền thân của sự sống trên Trái Đất hoặc bất kể hành tinh nào trong hệ Mặt Trời", Christina Richey, đại diện các nhà khoa học của dự án Osiris-Rex, giải thích.


Thiên thạch Bennu có đường kính lớn hơn chiều cao của tòa tháp Empire State. (Đồ họa: BBC).

Osiris-Rex sẽ mất ít nhất hai năm rưỡi trên Bennu. Một trong những nhiệm vụ của nó đó là tính toán chính xác "hiện tượng Yarkovsky", hiện tượng các tiểu hành tinh thay đổi quỹ đạo khi đi qua hệ Mặt Trời do bề mặt của nó bị Mặt Trời nung nóng. Qua nhiều thế kỷ, sự thay đổi nhỏ này sẽ tích lũy dần và có thể gia tăng nguy cơ thiên thạch va chạm với Trái Đất.

"Nguồn năng lượng này khi được giải phóng trở lại vũ trụ đóng vai trò như nguồn đẩy, khiến tiểu hành tinh thay đổi hướng đi. Nếu như muốn dự đoán về tương lai của các vật thể như Bennu, chúng ta phải giải thích được hiện tượng này", Dante Lauretta, nhà nghiên cứu chính của dự án đến từ Đại học Arizona, Mỹ, cho biết.

Cập nhật: 09/09/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video