Sự thật phía sau cơ sở phòng chống vi khuẩn ngoài không gian của NASA

Một phân tích mới cho thấy các quan chức của NASA đã đánh giá quá cao khả năng chứa vi khuẩn ngoài hành tinh sau lần hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng của nhân loại.

Tại một thị trấn nhỏ trên sa mạc, hàng chục người đột nhiên mắc phải những triệu chứng kỳ lạ của một bệnh dịch bí ẩn, rồi qua đời trong đau đớn. Tác nhân lây nhiễm sau đó được tìm thấy: Chúng đến từ ngoài vũ trụ. Rốt cuộc, con người không thể đưa ra phương pháp chữa trị và chính phủ Mỹ phải nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh trước khi nó hủy diệt thế giới.


Ngày 20/7/1969, NASA thực hiện thành công cuộc đổ bộ đầu tiên của nhân loại lên Mặt trăng với sứ mệnh Apollo 11 lịch sử. (Ảnh: NASA).

Đây là mô túyp khá quen thuộc mà chúng ta thường được thấy trong nhiều tác phẩm điện ảnh, tiểu thuyết. Trên thực tế, nó là một phần của cuốn tiểu thuyết "The Andromeda Strain", do tác giả Michael Crichton xuất bản năm 1969.

Điều thú vị là cuốn sách được xuất bản chỉ 2 tháng trước khi con người đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên, và nó đã gây ra sự hoang mang diện rộng về những thứ mà các phi hành gia Apollo 11 có thể mang về từ ngoài vũ trụ.

Cần phải nói thêm rằng vào thời điểm ấy, không ai biết chắc liệu Mặt trăng có chứa sự sống vi mô hay không. Nếu có, khả năng tồn tại của các vi khuẩn là hoàn toàn có thể.

NASA dường như cũng lo lắng trước những kịch bản khó lường có thể xảy ra. Họ thiết lập một cơ sở kiểm dịch ở Houston, Texas - gọi là Phòng thí nghiệm Tiếp nhận Mặt trăng. Mục tiêu của cơ sở này là để chống lại khả năng có bất kỳ vi khuẩn ngoài hành tinh nào muốn du nhập vào Trái đất.

Khi phi hành đoàn Apollo 11 trở về sau sứ mệnh lịch sử, họ đã ngay lập tức được đưa vào cơ sở hiện đại, trị giá hàng triệu USD thời bấy giờ, nơi họ phải cách ly và thực hiện các buổi giám sát sức khỏe sát sao trong 3 tuần.


Vi khuẩn tới từ không gian từng là mối lo lớn của nhân loại. (Ảnh: Getty).

Nhìn bề ngoài, giao thức kiểm dịch có vẻ là điều đương nhiên, đặc biệt là trước một loạt những thuyết âm mưu về sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh. Thế nhưng nghiên cứu mới cho thấy bất chấp rất nhiều tiền bạc và tài nguyên được đầu tư vào cơ sở, những nỗ lực "bảo vệ hành tinh" của NASA chủ yếu là để phô trương.

Đây là điều được tiến sĩ Dagomar Degroot, một nhà sử học tại Đại học Georgetown, Mỹ nhấn mạnh trong báo cáo của của mình. "Giao thức cách ly trông có vẻ thành công, chỉ vì nó không cần thiết", Degroot nói.

Chuyên gia này chỉ ra nhiều điểm cho thấy giao thức cách ly của NASA là không thỏa đáng. Một chi tiết có thể kể đến là tàu vũ trụ Apollo đã không được thiết kế để ngăn chặn các chất gây ô nhiễm Mặt trăng khi nó tiếp xúc với môi trường Trái đất.

Theo đó, khi viên nang của tàu vũ trụ rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương trong chuyến trở về Trái đất, toàn bộ không khí bên trong mô-đun đã được giải phóng vào bầu khí quyển, như một bước quan trọng để giúp phi hành đoàn không bị ngộ độc bởi khí carbon dioxide.

"Nếu không khí này nhiễm khuẩn, chúng có lẽ đã được giải phóng xuống Trái đất từ trước khi bất kỳ biện pháp bảo hộ nào được thực hiện", Degroot chia sẻ.

May mắn là điều này đã không xảy ra. Theo nhận định của Degroot, NASA biết chắc rằng nguy cơ các phi hành gia Apollo 11 mang về Trái đất một chủng bệnh dịch ngoài không gian là cực kỳ thấp.


Tổng thống Mỹ Richard Nixon chào đón các phi hành gia tàu Apollo 11 trở về Trái đất sau hành trình lịch sử lên Mặt trăng. Các phi hành gia đã bị cách ly tại một Cơ sở Kiểm dịch của NASA trong 21 ngày để đảm bảo rằng họ sẽ không mang theo bất kỳ vi khuẩn nào từ Mặt trăng (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên, NASA vẫn triển khai cơ sở phòng chống vi khuẩn ngoài không gian để tránh làm công chúng hoảng sợ.

Trong một tuyên bố vào thời điểm bấy giờ, cơ quan này đã trấn an các công dân có liên quan rằng những nỗ lực của họ "đã mang đến một phòng thí nghiệm với khả năng đương đầu với những thứ chưa từng tồn tại trước đây".

Ngay cả khi Apollo 11 mang vi khuẩn trở lại từ Mặt trăng, thật khó để cho rằng liệu chúng có thể gây ra bất kỳ rủi ro nào cho con người hay không.

Trên thực tế, phần lớn sự sống của vi sinh vật trên Trái đất là hoàn toàn vô hại đối với con người. Trong đó, một số vi khuẩn thậm chí còn rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.

Theo tiến sĩ. Degroot, vi khuẩn tới từ vũ trụ nếu có, sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tương tác với môi trường trên Trái đất, cũng như các tế bào của chúng ta. Để làm được điều này, chúng có thể cần tới một quá trình tiến hóa kéo dài hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm.

Cập nhật: 22/06/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video