Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chính thức đổi tên con đường đi qua trụ sở chính nhằm tri ân các nhà khoa học nữ đã cống hiến vì sự phát triển của tổ chức này.
Con đường mang tên mới là Hidden Figures (tạm dịch: Những người thầm lặng) - là tên một quyển sách và một bộ phim của tác giả Margot Lee Shetterly nói về những đóng góp của 3 nhà khoa học nữ: Katherine Johnson, Dorothy Vaughan và Mary Jackson.
Con đường đi qua trụ sở chính của NASA vừa được đổi tên thành Hidden Figures - (Ảnh: NASA).
Theo trang điện tử của National Public Radio (Mỹ), đây là bộ 3 nhà khoa học người Mỹ gốc Phi đã có những đóng góp vượt bậc cho các dự án của NASA trong thế kỷ 20.
Trong những năm đầu, NASA chưa có máy móc tân tiến như hiện nay, nên đa phần các công việc vẫn phải dựa vào con người, trong đó có cả việc giải các thuật toán, các phương trình toán học.
Họ thường được gọi là "máy tính người", bởi làm thay máy tính làm công việc tính toán và phân tích dữ liệu, đường đi ngoài không gian của các vật thể...
Những người giải toán này, trong đó có nhiều phụ nữ, đóng vai trò then chốt trong các nghiên cứu hàng không vũ trụ trong phòng thí nghiệm của Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia (NACA) - và sau là NASA - từ những năm 1930 đến tận những năm 1970.
Katherine Johnson thực hiện công việc giải toán tại NASA, bức ảnh được chụp năm 1962 - (Ảnh: NASA).
Chẳng hạn, Katherine Johnson có công đầu trong việc tính toán đường bay của sứ mệnh bay vòng quanh Trái đất đầu tiên của người Mỹ, do phi hành gia John Glenn thực hiện năm 1962.
Mary Jackson là nhà khoa học nữ da màu duy nhất làm việc cho NASA trong những năm đầu thành lập cho đến đầu thập niên 1960.
Còn Dorothy Vaughan từng đứng đầu một nhóm "máy tính người" thực hiện công trình tính toán vũ trụ độc lập cho NASA trong gần 10 năm.
Sau đó, bà trở thành "sếp" người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong một bộ phận của NASA.
Có mặt tại buổi lễ đổi tên, Shetterly nhắc lại đóng góp của những người phụ nữ đứng đằng sau vinh quang trong các sứ mệnh không gian.
"Tên đường Hidden Figures nhắc nhớ chúng ta và tất cả mọi người rằng những người phụ nữ này - những người đã dành cả cuộc đời cho khoa học và là hiện thân cho sự bình đẳng, công bằng và nhân văn" - Shetterly nói.
Phòng làm việc của những "máy tính người" tại NACA năm 1949 - (Ảnh: NACA).
Trong khi đó, Jum Bridenstine - tổng giám đốc NASA, phát biểu: "Sau 50 năm kể từ khi tàu Apollo 11 đáp xuống mặt trăng, chúng ta mới đứng đây tri ân những con người thầm lặng này - những người mà ở thời điểm đó, chưa được nhắc đến".
Tên đường mới được kỳ vọng sẽ khơi gợi các câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ.
"Nhiều năm sau, khi các cô bé, cậu bé đến thăm NASA nhìn thấy tên đường này, chúng sẽ được tìm hiểu về một câu chuyện thú vị bên trong - chuyện về tiềm năng vô giới hạn của con người" - Ted Cruz, một trong những người đã đệ trình đề xuất đổi tên đường, chia sẻ.