Giải thưởng Kovalevskaia 2011 đã được trao cho 2 nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu ứng dụng khoa học tự nhiên, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.
Hai nhà khoa học gồm phó giáo sư - tiến sỹ Vũ Thị Thu Hà (Phó Viện Trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu) và phó giáo sư - tiến sỹ Lê Thị Thanh Nhàn (Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Thái Nguyên).
Phó giáo sư - tiến sỹ Vũ Thị Thu Hà là cán bộ khoa học đầu tiên và hiện nay là người duy nhất của Viện Khoa học Công nghiệp Việt Nam đã đi sâu nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
19 năm công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, phó giáo sư - tiến sỹ Vũ Thị Thu Hà đã tạo ra được nhiều sản phẩm và quy trình công nghệ thân thiện môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển ngành công nghệ xúc tác, lọc, hóa dầu.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, hiện tại, Dự án Nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30.000 tấn/năm và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20.000 tấn/năm đang được triển khai giai đoạn đầu.
Cả hai quy trình công nghệ này đều đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel còn được Bộ Khoa học Công nghệ chọn trưng bày và giới thiệu tại Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội 2010.
Với quy trình công nghệ sản xuất dung môi sinh học thay thế dần các dung môi dầu mỏ độc hại, ô nhiễm môi trường, lần đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới, quy trình công nghệ điều chế metyleste từ dầu hạt Jatropha Curcas được nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống. Các kết quả nghiên cứu quá trình este hóa của axit lactic trên xúc tác dị thể siêu axit thế hệ mới là những kết quả độc đáo, lần đầu tiên được công bố trên thế giới và Việt Nam.
Đặc biệt, nội dung liên quan đến việc sử dụng dung môi cho quá trình este hóa nhằm chuyển dịch cân bằng đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp và hiện nay đã được đăng ký độc quyền quốc tế. Đây là một thành công đáng ghi nhận của chị Hà và nhóm nghiên cứu.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học của chị được đăng ở tạp chí chuyên ngành quốc tế và trong nước có uy tín còn là nguồn tài liệu tham khảo rất có giá trị.
Phó giáo sư - tiến sỹ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Thái Nguyên là Phó giáo sư trẻ nhất trong số những Phó giáo sư của Việt Nam được phong năm 2005.
Gia tài đáng nể của chị là 16 công trình được công bố trên những tạp chí toán quốc tế uy tín, trong đó có những công trình được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn.
Phó giáo sư - tiến sỹ Lê Thị Thanh Nhàn thường xuyên được mời phản biện các bài báo khoa học cho những tạp chí toán trong nước và quốc tế. Trong 5 năm, từ 2004-2009, chị công bố 9 bài báo quốc tế ISI và được chọn vào Hội đồng khoa học ngành Toán nhiệm kỳ 2009-2013 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted).
Năm 2007, chị được trao giải thưởng Khoa học Viện Toán học vì cụm công trình trong lĩnh vực Đại số Giao hoán. Một số đề tài đáng chú ý do phó giáo sư - tiến sỹ Lê Thị Thanh Nhàn làm chủ nhiệm như: “Môđun đối đồng điều địa phương và ứng dụng;” “Một số vấn đề cơ bản trong đại số giao hoán;” “Dãy chính quy suy rộng và môđun đối đồng điều địa phương".