Dù vụ nổ sao chỉ kéo dài 20 phút và diễn ra cách đây 1,2 tỷ năm ánh sáng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại thành công ánh sáng chói lòa phát ra từ sóng xung kích của nó.
Hình đồ họa mô tả vụ nổ siêu tân tinh. (Ảnh: NASA)
CNN hôm nay đưa tin, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế phân tích 50 tỷ tỷ ngôi sao do kính viễn vọng không gian Kepler chụp hình trong suốt ba năm nhằm tìm kiếm vụ nổ siêu tân tinh.
Vụ nổ siêu tân tinh diễn ra cuối vòng đời của ngôi sao đỏ lớn, khiến ngôi sao cháy sáng và rực chói hơn một số thiên hà trong khoảng hai tuần trước khi lụi tàn vào màn đen của vũ trụ.
Nhóm phân tích dữ liệu từ kính Kepler phát hiện một ngôi sao đỏ khổng lồ lớn gấp 500 lần Mặt Trời, cách Trái Đất 1,2 tỷ năm ánh sáng, phát nổ trong tầm quan sát của kính viễn vọng.
Peter Garnavich, giáo sư vật lý thiên văn ở Đại học Notre Dame, Mỹ, cho biết ngôi sao lớn đến mức đủ bao phủ cả quỹ đạo xoay quanh Mặt Trời của Trái Đất. Dù vụ nổ siêu tân tinh diễn ra ở khoảng cách hàng triệu năm ánh sáng, nó vẫn có tác động hữu hình lên hệ Mặt Trời.
"Tất cả những nguyên tố nặng trong vũ trụ đều đến từ vụ nổ siêu tân tinh. Ví dụ, bạc, nickel, đồng trên Trái Đất và cơ thể chúng ta đều đến từ xác chết phát nổ của những ngôi sao. Sự sống tồn tại nhờ các vụ nổ siêu tân tinh", Steve Howell, nhà khoa học làm việc trong dự án Kepler, cho biết.
Nhiệm vụ Kepler đầu tiên kết thúc năm 2013, sau đó NASA khởi động lại dự án với tên gọi K2 nhằm làm sáng tỏ vụ nổ siêu tân tinh và những sự kiện kỳ thú khác trong vũ trụ.
Video ghi lại vụ nổ siêu tân tinh.