NASA lần đầu thử nghiệm động cơ máy bay siêu thanh X-59

Mẫu máy bay siêu thanh không tiếng ồn của NASA đang tiến gần hơn tới chuyến bay thử đầu tiên sau khi vượt qua thử nghiệm động cơ.

Bắt đầu từ ngày 30/10, các kỹ sư trong chương trình X-59 Quesst (Công nghệ siêu thanh yên tĩnh) của NASA tiến hành loạt thử nghiệm với động cơ của mẫu máy bay phản lực tại cơ sở Skunk Works của Lockheed Martin ở Palmdale, California, theo Space. Thử nghiệm diễn ra theo từng giai đoạn. Trong thử nghiệm sơ bộ, nhóm kỹ sư chạy động cơ của X-59 ở tốc độ thấp mà không khai hỏa để kiểm tra bất kỳ rò rỉ nào và đảm bảo những hệ thống khác nhau của máy bay hoạt động nhịp nhàng với nhau. Sau đó, đội kỹ sư X-59 nạp nhiên liệu cho X-59 và kiểm tra động cơ. Họ cho biết tới nay, mẫu máy bay phản lực vận hành rất tốt.


Máy bay X-59 trong kho chứa ở cơ sở Skunk Works. (Ảnh: NASA).

X-59 được thiết kế để bay hành trình ở tốc độ Mach 1,4 (1.728 km/h) và độ cao 16,7 km. Máy bay sử dụng động cơ phản lực F414-GE-100 đã chỉnh sửa của General Electric. Dòng động cơ F414 được sử dụng rộng rãi ở các máy bay quân sự, bao gồm một số phiên bản máy bay Boeing F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ. NASA từng sử dụng F/A-18 để mô phỏng âm thanh của X-59 và kiểm nghiệm microphone cùng nhiều cảm biến âm thanh khác.

Thiết kế của X-59 giúp phương tiện bay nhanh hơn vận tốc âm thanh mà không tạo ra tiếng nổ siêu thanh thường gặp khi vượt qua rào cản âm thanh. Hiện nay, bay siêu thanh trên đất liền bị cấm bởi Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA). NASA hy vọng X-59 sẽ giúp chứng minh bay siêu thanh có thể diễn ra mà không tạo tiếng nổ điếc tai. Khi đó, thời gian bay nội địa có thể giảm một nửa, hỗ trợ không chỉ hàng không thương mại mà cả cứu trợ thiên tai và vận chuyển y tế.

Để giảm âm lượng tiếng nổ siêu thanh, X-59 có dạng hình học độc đáo bao gồm phần mũi kéo dài giống chiếc mỏ (11,5 m) so với tổng chiều dài của máy bay là 30 m. Thay vì phát ra tiếng nổ ầm ĩ làm rung chuyển mặt đất, mẫu máy bay phản lực chỉ tạo ra tiếng động nhẹ như tiếng sập cửa ôtô khi vượt qua rào cản âm thanh. Tuy nhiên, do phần mũi kéo dài, phi công điều khiển X-59 sẽ có tầm nhìn phía trước hạn chế. Khoang lái của máy bay thậm chí không có cửa sổ ở mặt trước mà trang bị hệ thống eXternal Vision System (XVS), bao gồm camera nối liền với màn hình trong buồng lái, giúp phi công nhìn mặt trước thông qua công nghệ thực tế ảo.

Giai đoạn thử nghiệm tiếp theo bao gồm nạp dữ liệu vào hệ thống máy tính của máy bay trong cả điều kiện bình thường và hỏng hóc để xem phương tiện phản ứng như thế nào. Sau đó, X-59 sẽ chạy trên đường băng để xem xét các bề mặt, phanh và động cơ của nó vận hành như thế nào trên mặt đất. NASA chưa tiết lộ thời gian X-59 cất cánh lần đầu tiên. Dự kiến, X-59 sẽ bay qua một số thành phố Mỹ để các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về âm thanh êm tai hơn mà máy bay tạo ra, cũng như phản ứng của cộng đồng với tiếng động đó.

Cập nhật: 09/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video