Theo "Science Express" số ra ngày 19/2, vụ nổ kỳ lạ này xảy ra ở chòm sao Carina hồi tháng 9/2008, sản sinh ra lượng năng lượng ước tính cao gấp 3.000 đến hơn 5 tỷ lần năng lượng của ánh sáng nhìn thấy. Các chuyên gia vật lý học thiên thể giải thích "Ánh sáng nhìn thấy có năng lượng khoảng từ 2-3 vôn điện tử, nhưng mức năng lượng từ vụ nổ trên lên tới hàng triệu, thậm chí hàng tỷ vôn điện tử".
Tính toán khoảng cách vụ nổ trên so với trái đất, các chuyên gia phát hiện vụ nổ mạnh hơn những vụ nổ của 9.000 siêu tân tinh (những vụ nổ cực mạnh xảy ra vào cuối chu kỳ tồn tại của một ngôi sao) và những luồng khí phát ra những tia gamma ban đầu chuyển động với tốc độ gần bằng tốc độ của ánh sáng.
Các nhà thiên văn học cho biết những vụ nổ tia gamma xảy ra khi những ngôi sao hết nhiên liệu hạt nhân và "suy sụp". Chúng chiếu ánh sáng rực rỡ hơn hàng trăm lần so với một siêu tân tinh đặc trưng và gấp khoảng 1 triệu nghìn tỷ lần ánh sáng mặt trời.
Những vụ nổ ánh sáng gamma dài hơn 2 giây thường xảy ra đối với những ngôi sao lớn đang trong quá trình suy sụp, còn những vụ nổ ngắn kéo dài chưa đầy 2 giây xảy ra đối với những ngôi sao nhỏ hơn.
Giới khoa học khẳng định nghiên cứu những vụ nổ tia gamma sẽ giúp họ hiểu thêm về khởi nguồn của vũ trụ./.