Cơ quan Hàng không và Vũ trị Mỹ (NASA) hôm 10/10 phóng một vệ tinh để thăm dò khu vực bí ấn nơi không khí gặp không gian.
Vệ tinh có tên gọi Ionospheric Connection Explorer (ICON) này đã được phóng vào quỹ đạo sau 2 năm bị trì hoãn. 5 giây sau khi phóng vệ tinh, tên lửa Pegasus đi kèm được kích hoạt, chuyển ICON vào đường bay.
Khu vực được thăm dò là tầng điện ly, lớp bên trên của khí quyển. Tầng điện li nằm ở độ cao từ 50–80km đến khoảng 1000km. "Tầng bảo vệ này nắm phía trên cùng của bầu khí quyển của chúng ta. Đây là biên giới của chúng ta với không gian" - Nicola Fox, một quan chức NASA, nhận định.
Vệ tinh ICON. (Ảnh: NASA).
Bà Fox cũng cho biết có nhiều chuyện xảy ra trong khu vực này và chúng không chỉ do mặt trời gây ra. Bão, lốc xoáy và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác trên trái đất cũng có vai trò trong đó.
Việc tăng cường nghiên cứu và hiểu rõ hơn về tầng điện ly có thể giúp bảo vệ tốt hơn phi hành gia và tàu không gian trong quỹ đạo nhờ cải thiện khả năng dự báo.
Vệ tinh ICON có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh sẽ tiến hành nghiên cứu sự phát xạ ánh sáng được hình thành bởi khí trong tầng điện ly, đồng thời đo lường môi trường tích điện ngay xung quanh tàu không gian ở độ cao khoảng 580km.
"Đây là một phòng thí nghiệm vật lý ấn tượng" - nhà khoa học Thomas Immel của Trường ĐH California ở TP Berkeley cho biết về vệ tinh ICON. Ông cũng chính là người đã giám sát sứ mệnh này trong 2 năm qua.
Một vệ tinh của NASA được phóng hồi năm 2018,được gọi là Gold, cũng tiến hành nghiên cứu tầng khí quyển cao nhưng ở khu vực cao hơn so với sứ mệnh của ICON.
Một số nghiên cứu về tầng điện ly dự kiến được tiến hành trong năm tới, trong đó có sứ mệnh tại Trạm Không gian Quốc tế.
Vệ tinh ICON lẽ ra đã được phóng lên năm 2017 nhưng sứ mệnh bị trì hoãn do tên lửa Pegasus của Công ty Northrop Grumman bị trục trặc.