Ngày 19-10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu thăm dò không người lái lên quỹ đạo để nghiên cứu khu vực ranh giới giữa các vì sao trên hệ Mặt trời.
Tàu IBEX (Interstellar Boundary Explorer) được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Pegasus và thực hiện nhiệm vụ trong hai năm, chụp các bức ảnh và lập bản đồ về khu vực ranh giới giữa các vì sao trên hệ Mặt trời, nằm cách xa Trái đất hàng tỷ km.
Dự kiến tàu IBEX sẽ quan sát toàn bộ bầu trời và lần đầu tiên tiến hành nghiên cứu cơ cấu chung của khu vực ranh giới, là nơi hệ Mặt trời giao cắt với khoảng không giữa các vì sao. Với hai ''máy quay'' có độ mở ống kính cực lớn cho phép cung cấp những hình ảnh rõ nét, IBEX sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu sâu thêm về nơi hệ Mặt trời ''gặp'' dải ngân hà.
Các khu vực ranh giới giữa hệ Mặt trời và các vì sao được xem là ''lá chắn'' bảo vệ Trái đất tránh các tia vũ trụ nguy hiểm từ dải ngân hà (Ảnh: TTO) |
Nặng 462kg, tàu IBEX có hình dạng tương tự một dấu chấm, gồm 8 mặt, có chiều cao 59cm và rộng 96cm. Năng lượng hoạt động của IBEX do các pin mặt trời cung cấp, là hệ thống có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời và thành điện năng. Quỹ đạo cuối cùng của IBEX sẽ nằm cách Trái đất 320.000km, cao gấp 1.000 lần so với quỹ đạo của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo giới chuyên gia, các khu vực ranh giới giữa hệ Mặt trời và các vì sao rất quan trọng vì những khu vực này là ''lá chắn'' bảo vệ Trái đất tránh các tia vũ trụ nguy hiểm từ dải ngân hà. Nếu không có những khu vực này, các tia trên có thể thâm nhập quỹ đạo Trái đất và đe dọa các chuyến tàu thám hiểm vũ trụ của con người.
Trước tàu IBEX, NASA đã phóng hai vệ tinh Voyager và tàu Pioneer lên khu vực ranh giới của hệ Mặt trời.