Sứ mệnh quan trọng săn lùng dấu vết của sự sống và người ngoài hành tinh tại sao Hoả đang được các nhà khoa học tại NASA tranh luận gay gắt. Để thực hiện được điều này, các nhà khoa học đang tìm những khu vực mới để tiếp cận trên hành tinh đỏ.
NASA hiện đang được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia thúc giục tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. 300 nhà khoa học trên toàn thế giới cũng sẽ tiếp tục đưa ra những luận điểm mới liên quan đến vấn đề này tại hội thảo Mars 2020 ở Los Angeles.
“Địa điểm xác định để sử dụng các phương tiện thăm dò trong thời gian tới có thể sẽ thiết lập một giai đoạn thăm dò sao Hỏa theo hướng mới trong thập kỷ tiếp theo”, Thomas Zurbuchen, đại diện của NASA cho biết.
NASA đang chuẩn bị một kế hoạch lớn trong việc tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ.
Trước đó, một loạt các địa điểm mới cần thăm dò trên sao Hoả đã được các nhà khoa học đưa ra từ năm 2014. Đáng chú ý, danh sách các địa điểm rơi vào khoảng 30 trang. Tuy nhiên, hiện tại, danh sách đã rút gọn xuống còn bốn vị trí đáng chú ý. Cuối năm nay, các nhà khoa học sẽ chính thức xác định các địa điểm hạ cánh của tàu thăm dò.
Dự kiến tàu thăm dò Mars 2020 sẽ chính thức khởi động với sự hỗ trợ của một tên lửa đẩy Atlas V vào tháng 7 năm 2020 và dự kiến sẽ chạm vào sao Hỏa vào tháng 2 năm 2021.
Việc lựa chọn một địa điểm tiếp theo trên bề mặt hành tinh đỏ để tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên hành tinh này rất quan trọng với NASA bởi trong suốt thời gian qua, các xe tự hành thăm dò khắp hành tinh của NASA vẫn chưa có nhiều thành quả đáng chú ý.
NASA cũng đang đứng trước sức ép từ nhiều cơ quan trong việc đẩy mạnh sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Gần đây nhất, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) kêu gọi NASA thực hiện nhiều hơn các cuộc tìm kiếm cuộc sống ngoài Trái Đất. Không chỉ thế, cơ quan này còn kêu gọi NASA phát triển thêm nhiều công nghệ có khả năng phát hiện sự sống ngoài hành tinh.
Xe tự hành Curiosity Rover của NASA vẫn liên tục hoạt động thời gian qua trên sao Hoả.
Hiện tại, NASA vẫn đang thực hiện sứ mệnh tìm kiếm sự sống và phân tích các chỉ số trên hành tinh đỏ với xe tự hành Curiosity Rover. Xe tự hành Curiosity Rover được phóng lên sao Hoả bắt đầu từ hồi tháng 11/2011 và chính thức hạ cánh xuống bề mặt hành tinh đỏ này ngày 6/8/2012.
Curiosity có nhiệm vụ chính là nghiên cứu khí hậu, tìm kiếm sự sống, tìm kiếm băng và nước và hoạt động như một trinh sát hành tinh để xác định Sao Hoả có thể từng có sự tồn tại sự sống hay không. Cho đến nay, cỗ máy có bề rộng gần 2,8 mét này đã khám phá nhiều địa điểm trên bề mặt Sao Hoả và gửi về rất nhiều thông tin.
Gần đây nhất, NASA cũng đang lên kế hoạch sử dụng robot bay cỡ nhỏ mang tên Marsbees để khám phá sao Hỏa trong tương lai. Dự án đang được phát triển bởi nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Alabama của Mỹ, cùng với các nhà khoa học đến từ Nhật Bản.