NASA sắp gửi iPad lên quỹ đạo Mặt trăng

NASA sẽ trang bị iPad trên chuyến bay Artemis 1 để thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo giọng nói, hỗ trợ phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt trăng.

Artemis 1, dự án mở đường cho sứ mệnh trở lại Mặt trăng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cất cánh vào cuối tháng 8. Dù không có phi hành đoàn, một thiết bị đặc biệt sẽ góp mặt trong sứ mệnh là iPad của Apple.

Mục tiêu chính của Artemis 1 là kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn tàu vũ trụ Orion. Bên cạnh đó, NASA còn trang bị iPad để thử nghiệm công nghệ hỗ trợ Callisto.

Theo 9to5Mac, Callisto được NASA và hãng máy bay Lockheed Martin phát triển, kết hợp trợ lý ảo Alexa với nền tảng hội nghị online WebEx của Cisco.


Hệ thống Callisto trên tàu vũ trụ Orion bao gồm một chiếc iPad. (Ảnh: Lockheed Martin).

Trong sứ mệnh Artemis 1, NASA sẽ trình diễn khả năng sử dụng trợ lý ảo bằng giọng nói để hỗ trợ quá trình làm việc, sinh hoạt của phi hành gia trên tàu vũ trụ Orion. Bên cạnh hệ thống liên lạc tự phát triển, một chiếc iPad sẽ xuất hiện để hỗ trợ quá trình giao tiếp.

"Tôi có thể mường tượng về tương lai nơi các phi hành gia có thể ra lệnh bằng giọng nói để tiếp nhận các thông tin về sứ mệnh, ví dụ như hướng tàu vũ trụ, lượng nước hay điện áp", Howard Hu, Phó giám đốc chương trình Orion tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA chia sẻ.

"Hệ thống được tài trợ sẽ nằm trên bảng điều khiển trung tâm của Orion, gồm một tablet để thử nghiệm phần mềm gọi video WebEx của Cisco, truyền tín hiệu video và âm thanh từ Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh (Mission Control) tại Johnson. Phần cứng và phần mềm do Lockheed Martin và Amazon tùy chỉnh được dùng để thử nghiệm Alexa, trợ lý ảo dựa trên giọng nói của Amazon nhằm phản hồi với âm thanh được truyền", đại diện NASA cho biết.

Do Artemis 1 không có phi hành đoàn nên về bản chất, NASA sử dụng iPad như một phi hành gia để ra lệnh cho Alexa trong không gian, câu lệnh được đặt từ Mission Control trên mặt đất.

Cụ thể, nhân viên mặt đất sử dụng camera và micro để truyền câu lệnh đến iPad. Hình ảnh và giọng nói của họ sẽ phát ra từ tablet, thông qua phần mềm gọi video WebEx đến trợ lý ảo trên tàu vũ trụ.

Do vấn đề độ trễ khi truyền tín hiệu ở khoảng cách xa, NASA đã tích hợp Callisto với Mạng Không gian Sâu (Deep Space Network), cùng hệ thống dữ liệu nội bộ (Local Voice Control) của Amazon để truy vấn dữ liệu.

Trên Orion, Alexa có thể truy cập dữ liệu tàu vũ trụ theo thời gian thực. Nhờ đó, phi hành gia có thể hỏi các câu như "Alexa, Orion đang di chuyển với tốc độ bao nhiêu?" và nhận phản hồi lập tức. Những câu lệnh khác như hỏi về nhiệt độ cabin, kích hoạt các hệ thống trong tàu vũ trụ cũng có thể thực hiện bằng giọng nói.


Ảnh minh họa Callisto trên tàu vũ trụ. (Ảnh: NASA).

Đây không phải lần đầu thiết bị Apple được dùng cho các sứ mệnh không gian. Ví dụ, tàu thăm dò Hỏa tinh của NASA trang bị CPU của iMac G3 được tùy chỉnh. Một chiếc Apple Watch Series 6 và iPhone 12 Pro cũng được gửi lên tàu vũ trụ SpaceX để theo dõi sức khỏe phi hành gia.

Chuyến bay Artemis 1 dự kiến cất cánh vào cuối tháng 8 trên Hệ thống Phóng Không gian (SLS), tên lửa mạnh nhất thế giới. Tàu vũ trụ Orion sẽ được đẩy lên quỹ đạo xung quanh Mặt trăng, ở trong không gian 42 ngày trước khi trở lại Trái Đất.

Theo NASA, mục tiêu của sứ mệnh là đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng. Vào năm 2024, các phi hành gia sẽ lên tàu Orion trong cùng chuyến đi. Thông qua dự án, NASA sẽ khám phá nhiều khu vực trên Mặt trăng, thiết lập sự hiện diện lâu dài đầu tiên tại nơi đây.

Cập nhật: 18/08/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video