"Tôi không thể hẹn ngày đưa con người lên sao Hỏa được nữa", ông Bill Gerstenmaier, giám đốc chương trình đưa con người thám hiểm không gian của NASA, tuyên bố thành thật.
Theo trang công nghệ Arstechnica, trong 5 năm qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đeo đuổi dự án tham vọng đưa con người đặt chân lên hành tinh đỏ vào những năm 2030.
Tuy nhiên trong cuộc họp ngày 13/7 của Viện Hàng không và Không gian Mỹ (AIAA), giám đốc chương trình đưa con người thám hiểm không gian của NASA, ông Bill Gerstenmaier thừa nhận cơ quan ông thực sự không có đủ tiền để đưa con người lên sao Hỏa nữa.
Hệ thống tên lửa mới Spae Launch System (SLS) và tàu vũ trụ Orion - những phương tiện chính trong kế hoạch đưa người lên sao Hỏa, có chi phí đầu tư quá tốn kém, do đó NASA đã không thể bắt đầu thiết kế các loại phương tiện để hạ cánh hoặc cất cánh từ bề mặt sao Hỏa.
Ông Bill Gerstenmaier, giám đốc chương trình đưa con người thám hiểm không gian của NASA - (Ảnh: NASA).
Sau khi thừa nhận tình thế bế tắc, ông Gerstenmaier đề cập tới một khả năng khác có thể thực hiện được trong hoàn cảnh này là đưa con người trở lại Mặt trăng.
Ông Gerstenmaier giải bày: "Nếu chúng tôi tìm ra nước trên Mặt trăng, và chúng tôi muốn có thêm những hoạt động để khám phá, chúng tôi sẽ hỗ trợ chương trình đưa con người trở lại đây".
Sau nửa năm ông Trump lên nắm quyền tổng thống, NASA nhận thấy các "điểm đến" trong lộ trình khám phá vũ trụ của họ có thể thay đổi đáng kể. Sự thật là cơ quan này không thể cùng lúc thực hiện cả hai mục tiêu, vừa lên sao Hỏa vừa lên Mặt trăng, trừ phi có những thay đổi đột phá.
Các hoạt động tiếp theo của NASA sẽ tùy thuộc vào nguồn ngân sách. Tuy nhiên vẫn còn một lựa chọn khác ít tốn kém hơn là cơ quan này có thể hợp tác một phần hoặc hoàn toàn với hệ thống vận tải trong vũ trụ của các công ty như SpaceX, Blue Origin và United Launch Alliance.
Về mặt chính trị, cho tới nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa đồng thuận trong việc lệ thuộc vào các công ty tư nhân để tiến hành những chuyến thám hiểm vũ trụ.
Tuy nhiên theo thời gian, điều này có thể thay đổi, như phó tổng thống Mỹ Mike Pence gần đây đã đề cập khả năng hợp tác giữa NASA và các công ty thương mại tư nhân.