Nếu chip cấy não của Elon Musk thực hiện hành động có hại, người hay máy sẽ phải chịu trách nhiệm?

Từ năm 1999, hai triết gia người Úc và người Anh nêu lên một thí nghiệm giả định về não bộ. Năm 2024, giả thuyết trở thành hiện thực.

Dựa trên bài viết của triết gia và chuyên gia đạo đức AI, bà Dvija Mehta. Hiện bà đang công tác tại một cơ sở trực thuộc Đại học Cambridge, Trung tâm Leverhulme nghiên cứu về Tương lai của Trí tuệ.


Chuyên gia Dvija Mehta.

Hồi tháng Ba, một người đàn ông có tên Noland Arbaugh trình diễn khả năng chơi cờ chỉ bằng não. Liệt tứ chi suốt 8 năm qua, anh đã lấy lại được khả năng bị mất nhờ một thiết bị cấy não được thiết kế bởi Neuralink, công ty do Elon Musk thành lập.

Việc ra lệnh cho con trỏ dường như trở thành bản năng mới của tôi”, anh Arbaugh nói trong buổi livestream. “Tôi nhìn chằm chằm vào một điểm trên màn hình và rồi con trỏ sẽ di chuyển tới đó”.

Cách anh Arbaugh mô tả cho thấy chính anh mới là người trực tiếp dùng chuột để điều khiển những quân cờ vua. Nhưng còn một câu hỏi được đặt đặt ra: hành động này do anh thực hiện, hay do con chip cấy vào đầu thực hiện?

Với tư cách là một nhà triết học về cách nghĩ của con người và một chuyên gia đạo đức AI, bà Dvija Mehta hứng thú với câu hỏi nêu trên. Một giao diện liên kết giữa não bộ và máy tính (brain-computer interface - BCI) tương tự Neuralink mở ra một kỷ nguyên mới mà tại đó, con người và máy tính hợp thành một thể; công nghệ mới làm dấy lên những câu hỏi xoay quanh nhân dạng, bản ngã và trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

Trong tương lai gần, công nghệ BCI cung cấp một phương án cho những người khuyết tật như anh Arbaugh, nhưng ứng dụng của nó còn có thể đi xa hơn nữa. Mục đích lâu dài của công ty Neuralink là cường hóa khả năng của con người cho bất cứ ai sử dụng sản phẩm của họ.

Khi một cỗ máy thực hiện những tác vụ mà vốn dĩ chỉ não bộ mới làm được, thì có thể coi nó là hành động của chính bộ não, hay phải coi đó là hành động của một thực thể tách biệt với con người?

Não bộ, bản mở rộng

Nhiều những thập kỷ qua, các triết gia đã tốn nhiều công sức luận đàm về ranh giới của một cá nhân: giới hạn của trí óc tới được đâu, và đâu là ranh giới giữa thế giới nội tâm và thế giới thực tế? Ở cấp độ cơ bản, một người có thể cho rằng trí óc nằm gọn trong não bộ, trong cơ thể một người. Tuy nhiên một số triết gia uyên bác đã đang đề xuất những khái niệm phức tạp hơn thế.

Năm 1998, triết gia Andy Clarke (người Anh) và David Chalmers (người Úc) công bố giả thuyết về “trí óc mở rộng”, về cơ bản cho rằng công nghệ có thể trở thành một phần của chúng ta. Sử dụng ngôn ngữ triết học để diễn đạt, thì Chalmers và Clarke đưa ra một thứ gọi là “active externalism”, tạm dịch là “chủ nghĩa đối ngoại chủ động”, cho rằng con người có thể ủy thác dòng suy nghĩ của mình cho một vật thể nhân tạo, và thông qua hành động đó kết hợp tạo tác ấy vào chính trí óc của mình. Thiết bị hành động theo mệnh lệnh con người, để người và máy hoạt động như một thể thống nhất.

Đề xuất này tới trước thời điểm smartphone ra đời, nhưng đã lột tả được bối cảnh hiện nay, nơi con người giao cho thiết bị nhiều những tác vụ trí óc như lưu trữ và tính toán.


Con người đang sử dụng máy móc như "phụ kiện mở rộng" của mình - (Hình minh họa).

Nếu như chip não của anh Arbaugh không được cho là một phần của trí óc anh ấy, thì câu hỏi gai góc xuất hiện ở đây là: liệu anh Arbaugh có làm chủ được hành động của mình?

Đi kèm với chủ nghĩa đối ngoại chủ động, Chalmers và Clark đồng thời đưa ra một tình huống giả định, rằng một người sử dụng một thiết bị cấy não để thao túng vật thể trên một màn hình máy tính. Một ví dụ giống với những gì anh Arbaugh đã thể hiện.

Để chơi cờ, anh Arbaugh mường tượng ra những gì mình muốn, là di chuyển một quân mã hay một quân tốt. Và thiết bị cấy não bộ của anh, chip N1 do Neuralink thiết kế chế tạo, nhận ra tín hiệu phát ra từ não bộ của anh và bắt đầu phân giải, xử lý rồi thực hiện hành động mà Arbaugh mong muốn.

Đứng từ góc nhìn triết học để đặt câu hỏi, thì chuyện gì vừa xảy ra ở đây? Liệu thiết bị cấy não bộ kia có phải là một phần của trí óc anh Arbaugh? Nếu không, liệu anh Arbaugh có đang làm chủ hành vi của mình không?

Để hiểu lý do tại sao, hãy cân nhắc tới khác biệt giữa hai khái niệm: sự việc xảy ra, và hành động. Sự việc bao hàm toàn bộ quá trình xử lý của trí óc con người như suy nghĩ, niềm tin, ham muốn, tưởng tượng, suy tính và ý định. Hành động là những sự việc được cơ thể thực thi, như việc bạn click vào bài viết này vậy.

Thông thường, không tồn tại khoảng cách giữa sự việc và hành động. Hãy đặt ra một trường hợp một cá nhân tên Tuấn đang chơi cờ. Không có sự trợ giúp của một giao diện não bộ - máy tính, Tuấn hình thành ý định di chuyển quân cờ trong não, rồi trực tiếp thực hiện hành động đó bằng tay. Trong trường hợp này, sự việc và hành động là quá trình xuyên suốt và thống nhất; hành động dịch chuyển quân cờ xuất phát từ chính sự việc hình thành trong não bộ.

Nhưng trong trường hợp anh Arbaugh, anh đã phải tưởng tượng ra ý định của mình, và con chip cấy não đã thực hiện hành động tác động tới thế giới bên ngoài. Tại đây, sự việc và hành động tách biệt.


Hình minh họa.

Sự tách biệt này làm dấy lên nhiều lo ngại, ví dụ như việc một người dùng thiết bị cấy não có thể toàn quyền kiểm soát hành động sinh ra từ con chip. Vốn dĩ não bộ và thân thể còn không nhất quán trong nhiều hành động, như hắt hơi hay co giãn đồng tử - những hành động tự diễn ra không thông qua tín hiệu não, thì liệu hành động sinh ra từ chip cấy có quá khác biệt?

Liệu con chip ngoại lai có trở thành một ký sinh trùng chạy bằng pin, gặm nhấm ý chí tự nguyện của một cá thể người?

Triết gia Mehta gọi đây là vướng mắc về ý định, nguyên văncontemplation conundrum”. Trong trường hợp của Arbaugh, anh đã bỏ qua một thành tố tối quan trọng chuỗi hệ quả dài của quá trình suy nghĩ - hành động: đó là động tác tay chủ động thực hiện hành vi di chuột. Chuyện gì có thể xảy ra nếu Arbaugh nhanh chóng thay đổi quyết định của mình, ngay trước thời điểm chip chuẩn bị thực hiện hành động? Và liệu chip có coi một trong những tình huống giả định mà Arbaugh nghĩ tới là hành động nên thực hiện hay không?

Nói cách khác, các yếu tố như độ trễ của con chip và thứ tự ưu tiên của một suy nghĩ khiến ta không rõ hành động được đưa ra thực sự thuộc về ai.

Trên bàn cờ online, nguy cơ sai lầm do chip không mấy lớn, nhưng khi ứng dụng chip não vào những môi trường yêu cầu trách nhiệm cao, thử hỏi lỗi sẽ thuộc về ai? Chip não tạo ra một vết rạch sai trong một ca đại phẫu khiến bệnh nhân tử vong, lỗi thuộc về ai?


Hình minh họa.

Đây không phải vấn đề nhân đạo duy nhất xuất hiện quanh công nghệ giao diện chip-não bộ. Trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng Neuromancer trứ danh của đại văn hào William Gibson, những thiết bị cấy lên cơ thể có thể tước đi danh tính một người, thậm chí thao túng cơ thể họ và truy cập trái phép vào thứ vốn không ai có thể chạm tới, là suy nghĩ của một cá nhân.

Vấn đề “vướng mắc về ý định” sẽ trở nên gai góc rõ ràng khi một con chip không phân định được rõ đâu là “sự việc chỉ diễn ra trong tưởng tượng”, và đâu là “sự việc tưởng tượng dẫn tới hành động”.

Nếu dùng ngôn ngữ của khoa học thần kinh mà nói, thì gần như không thể phân định rõ đâu là trí tưởng tượng và đâu là ý định. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2012 bởi một nhóm các nhà khoa học thần kinh cho thấy: trong não bộ, không hề xuất hiện tín hiệu xác định đâu “ý định dẫn tới hành động”.

Nếu vốn không thể phân định được ý định nào sẽ trở thành hành động, thì một thiết bị cấy nãocũng  sẽ không thể phân biệt được đâu là hành động nên được thực hiện. Điều này khiến con chip phải chịu trách nhiệm một phần cho hành động do bộ não cấy chip đưa ra.

Triết gia Mehta cho rằng, khi mà tình huống giả định do Chalmers và Clarke đưa ra đã trở thành hiện thực, ta nên nghiên cứu sâu hơn những ý tưởng mà hai triết gia đã nêu ra, để liên kết hai khái niệm sự việc và hành động trên một cá nhân cấy chip não. Áp dụng giả thuyết trí óc mở rộng sẽ giúp những người như anh Arbaugh hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động mình sẽ thực hiện, thay vì chia phần trách nhiệm cho con chip.

Chalmers và Clarke cho rằng để trải nghiệm với tư cách một chủ thể duy nhất, một cá nhân phải nghĩ như một chủ thể duy nhất. Nói cách khác, một người cấy chip phải cho rằng chip là một phần của bản ngã, nằm gọn trong thế giới nội tâm của mình. Nhờ vậy, cảm giác chi phối, sở hữu và trách nhiệm mới có thể vẹn toàn.

Công nghệ cấy giao diện não bộ - máy tính lên người mở ra một cánh cửa mới, không chỉ cho những người mất khả năng hành động, mà còn cho ngành triết học luận bàn về giới hạn giữa trí óc và máy móc. Như Chalmers và Clarke từng nhận định: “Một khi quyền lãnh đạo của da thịt và trí não bị chiếm đoạt, chúng ta mới có thể nhìn nhận rõ hơn thực chất bản thân, với tư cách những sinh vật thuộc về thế giới này”.

Cập nhật: 10/05/2024 ĐSPL
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video