Con người đang nâng cấp chính mình thành một loài mới với những siêu năng lực

  •   4,73
  • 3.654

Một ngày trời mưa, khi Bill đang đạp xe thì chiếc xe tải đi trước anh đột nhiên phanh gấp lại. Bill đơn giản không thể phản ứng kịp. Cú va chạm đã khiến anh bị liệt từ ngực trở xuống.

Cuộc sống của Bill bây giờ phụ thuộc vào những chức năng cơ thể anh còn giữ lại được, với sự trợ giúp của công nghệ. Chẳng hạn như, điều khiển giọng nói giúp anh kéo rèm trong phòng hoặc điều chỉnh góc nghiêng của chiếc giường tự động.

Với các hoạt động mà công nghệ chưa thể hỗ trợ, anh cần được chăm sóc 24/7.

Bill chưa từng gặp Anne. Cô ấy là một bệnh nhân Parkinson với đôi tay run bần bật nhưng vẫn cố gắng nhìn vào gương trang điểm. Cả hai cũng không biết Stephen, một người bị mù ở tuổi trưởng thành bởi một tình trạng thoái hóa. Stephen sống phụ thuộc vào người em gái, mỗi khi anh cần di chuyển ra khỏi nhà.

Tưởng tượng, ba người họ giống như những nhân vật trong một câu truyện cười quá đáng, một anh mù, một chàng liệt và một cô bệnh Parkinson bước vào quán bar. Nhưng thực tế không phải vậy, Bill, Anne và Stephen đã kết hợp câu chuyện cuộc đời họ với nhau để làm nên một bộ phim tài liệu mới có tên I Am Human.

Bộ phim đang được công chiếu tại Liên hoan phim Tribeca theo chân 3 bệnh nhân kém may mắn, bước vào bên trong vùng đất của những thí nghiệm điều trị não bộ mang tính cách mạng. Trong đó, các nhà khoa học sẽ mở hộp sọ của họ, chèn vào bên trong đó các điện cực với hy vọng giúp từng người lấy lại những gì họ đã mất.

Đối với Bill, đó là khả năng cử động thân dưới cơ thể. Với Anne là khả năng kiểm soát các vận động và với Stephen là thị lực của anh. Cả ba đều đang cùng các nhà khoa học đối mặt với những mạo hiểm để tìm kiếm lại sự tự do trong chính thể xác của mình.

Cuộc hành trình của ba nhân vật mang cả tính khoa học lẫn triết học. I am human không chỉ nói về con người như một thực thể sinh học như chúng ta vốn là, mà còn hứa hẹn kết hợp vào đó những công nghệ thần kinh cho phép chúng ta vượt ra khỏi giới hạn thể xác của chính bản thân mình.

Đó là một tương lai khi những con chip gắn vào não bộ có thể cho phép chúng ta sở hữu những khả năng siêu phàm.

Taryn Southern, đồng đạo diễn của bộ phim, cho biết cô bắt đầu nghĩ về bộ não giống trong Black MirrorWestworld, những bộ phim khai thác mối quan hệ đang lên ngôi giữa con người và công nghệ. Cô thấy mình bị mê hoặc bởi khoa học viễn tưởng, mô phỏng lại cách máy tính có thể tham gia vào quá trình tiến hóa của con người.

Những cỗ máy điện tử không chỉ cải thiện và nâng cấp chúng ta, những cỗ máy ấy thực sự thay đổi loài người. "Nhưng dường như vẫn có một sự mất kết nối giữa những ý tưởng mà chúng ta thấy trong các bộ phim đó, với những gì đang thực sự diễn ra trong thế giới thực", Southern nói.

Black Mirror và Westworld, những bộ phim khai thác mối quan hệ đang lên ngôi giữa con người và công nghệ.
Black Mirror và Westworld, những bộ phim khai thác mối quan hệ đang lên ngôi giữa con người và công nghệ.

Nhưng Southern không phải người duy nhất thể hiện niềm đam mê trong chủ đề này. Các bộ phim tài liệu khác được giới thiệu tại Liên hoan phim Tribeca cũng khai thác những câu chuyện tương tự: Almost Human nhìn vào mối quan hệ giữa con người và những con robot mà họ tạo ra; Universal Machine, một bộ phim ngắn, kể về cuộc đối đầu giữa một người phụ nữ và trí tuệ nhân tạo.

Hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới đã từng sống với một giao diện não-máy tính, những công nghệ bắt đầu được khoa học phát triển từ những năm 1970. Một số chuyên gia dự đoán con số này sẽ đạt tới 1 triệu người trong thập kỷ tới, khi khoa học và công nghệ ngày càng trở nên tinh vi hơn.

"Cuộc sống thực đang trình diễn những thứ còn hay hơn cả khoa học viễn tưởng", Elena Gaby, đồng đạo diễn của I am human với Southern nói.

Mặc dù vậy, những hoạt động bên trong bộ não của chúng ta vẫn chưa được hiểu rõ. Và lợi ích mà chúng ta khai thác được từ loại công nghệ này mới bắt đầu xuất hiện.

Một bộ não chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào trong số đó "phức tạp như cả thành phố Los Angeles" với khoảng 500 nghìn tỷ kết nối, David Eagman, một nhà thần kinh học xuất hiện trong phim nói.

Các phương pháp mà khoa học đang sử dụng để điều trị cho Bill, Stephen và Anne chủ yếu vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, không có bất kỳ điều gì đảm bảo về sự an toàn cũng như thành công của chúng.

"Thật thú vị, bây giờ chúng ta có thể đếm chính xác từng bước đi, đếm lượng calo tiêu thụ, sắp xếp lại bộ gen, lấy máu và đo nhịp tim, nhưng chúng ta hầu như không có cái nhìn sâu sắc nào về bộ não của mình", Bryan Johnson, người sáng lập và CEO của Kernel, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học thần kinh cho biết.

"Chúng ta mới biết một mảnh nhỏ về nội tâm của chúng ta, phần lớn còn lại vẫn là một chiếc hộp đen".

"Chúng ta mới biết một mảnh nhỏ về nội tâm của chúng ta, phần lớn còn lại vẫn là một chiếc hộp đen".
"Chúng ta mới biết một mảnh nhỏ về nội tâm của chúng ta, phần lớn còn lại vẫn là một chiếc hộp đen".

Những điều bí ẩn bên trong não bộ tạo nên một nỗi sợ hãi đầy hồi hộp trong I Am Human. Khi bạn theo dõi quá trình Bill, Stephen và Anne vật lộn với quyết định cấy chip vào não mình, đó là một thực tế khó khăn hơn nhiều so với bất cứ điều gì trong Black Mirror.

"Ai đó đang cắt vào bộ não của bạn", Anne nói trong phim. "Và bạn không thể biết điều gì sẽ xảy ra sau đó".

Sau những đấu tranh tư tưởng, cô cuối cùng cũng quyết định thử nghiệm kích thích não sâu, một thủ tục hoạt động bằng cách cấy điện cực vào não để kích thích các vùng cụ thể (trong trường hợp của Anne, cô cần làm giảm sự quá khích trong hệ thống vận động).

Phương pháp tỏ ra thành công rực rỡ với bệnh nhân Parkinson. Những con chip gửi "dữ liệu" ra khỏi não và cấp ngược lại một dòng điện chạy vào vùng não của Anne, giải thoát cô ấy khỏi những cơn run liên tục.

Stephen thì bắt đầu thử nghiệm một phương pháp điều trị khác, được gọi là Argus, liên quan đến việc cấy một con chip bên dưới mắt được kết nối với các điện cực trong não.

Bill, anh chàng bị liệt từ ngực trở xuống tình nguyện tham gia thử nghiệm một giao diện não-máy tính, với hi vọng nó có thể khôi phục lại những kết nối giữa não và dây thần kinh trong cơ thể đã bị đứt sau vụ tai nạn.

Để "đào tạo lại" bộ não của mình, Bill nhìn vào một cánh tay ảo trên màn hình, tưởng tượng mình đang tự di chuyển cánh tay ấy.

Thu thập các dữ liệu thần kinh từ đó, một nhóm các nhà khoa học sẽ xây dựng những bộ thuật toán mã hóa ý định chuyển động của Bill, sau đó, tín hiệu được gửi đến các điện cực được cấy vào cánh tay và bàn tay. Ý tưởng họ nhắm đến là: giao diện não- máy tính này sẽ giúp Bill kiểm soát được lại cơ bắp của chính mình.

"Đó là một tương lai có chút gì đó giống như Star Trek", Bill nói trên màn ảnh, với những sợi dây nối xuống từ đỉnh đầu anh. "Đây dường như là một thứ gì đó vừa được mang ra từ khoa học viễn tưởng".

Giao diện não - máy tính sẽ giúp Bill kiểm soát được lại cơ bắp của chính mình.
Giao diện não - máy tính sẽ giúp Bill kiểm soát được lại cơ bắp của chính mình.

Thoạt xem lần đầu, I Am Human là một bộ phim tài liệu khoa học, với vô số thông tin về bộ não con người và những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực thần kinh học.

Nó có sự tham gia của hơn một chục nhà thần kinh học, những nhân vật sẽ dẫn dắt người xem vào bên trong phòng thí nghiệm của họ, nói về những thách thức kỹ thuật trong việc tạo ra một con chip hoạt động được bên trong hộp sọ của con người.

Tuy nhiên, phía sau những cảnh phim ấy, câu hỏi trung tâm của bộ phim lại thiên về một vấn đề hiện sinh: Điều gì khiến cho chúng ta trở thành con người? Và làm thế nào công nghệ có thể nâng cấp loài của chúng ta - bằng cách giúp một số người lấy lại những khả năng họ đã mất và những người bình thường vượt ra khỏi giới hạn của mình trước đây?

Các giao diện não-máy tính hứa hẹn sẽ giúp người mù có thể nhìn thấy trở lại, khôi phục thính giác cho người điếc và mang lại cảm giác kiểm soát cơ thể cho chúng ta. Nhưng tới nửa sau của bộ phim, người xem sẽ theo chân một số nhà khoa học và doanh nhân, như Johnson, người tin rằng công nghệ thần kinh sẽ sớm cung cấp cho chúng ta những siêu năng lực mới.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu ngoài việc chữa khỏi bệnh mù của Stephen, chúng ta thực sự có thể cải thiện thị lực để anh ấy có thể nhìn thấy trong bóng tối?

Điều gì sẽ xảy ra nếu một thiết bị có thể cho phép Bill không chỉ di chuyển bàn tay của mình một lần nữa, mà còn soạn thảo được văn bản chỉ bằng những suy nghĩ trong đầu? Chúng ta có thể chữa trầm cảm hay không? Chúng ta có thể tạo ra một núm vặn mà chỉ cần xoay một chút để dễ đồng cảm hơn với mọi người?

Chúng ta có thể tạo ra một núm vặn mà chỉ cần xoay một chút để dễ đồng cảm hơn với mọi người?
Chúng ta có thể tạo ra một núm vặn mà chỉ cần xoay một chút để dễ đồng cảm hơn với mọi người?

Đó không phải là kịch bản khoa học viễn tưởng. Elon Musk và Mark Zuckerberg đã đầu tư vào giao diện não-máy tính để nâng cao khả năng của con người. Neurink của Musk nhắm đến mục đích cải thiện nhận thức, giúp chúng ta có thể cạnh tranh được với AI trong tương lai.

Ý tưởng của Zuckerberg định thực hiện thì giống như một cỗ máy đọc suy nghĩ. Công ty khởi nghiệp của Johnson, Kernel, đang làm việc để tạo ra một giao diện não, cho phép phát triển các ứng dụng trong thế giới thực, dựa vào hoạt động não được xử lý với độ phân giải cao.

"Hy vọng của tôi là giúp chúng ta đạt đến một cột mốc trong sự tiến bộ của công nghệ, nơi mà chúng ta không bị giới hạn bởi công nghệ của chính mình, chúng ta được trao quyền bởi nó", Johnson nói trong bộ phim. "Vì vậy, vấn đề bây giờ chỉ là lựa chọn đâu là thứ chúng ta muốn trở thành".

Đạo diễn của I Am Human muốn thể hiện ý tưởng trao quyền đó trong phim của cô. "Khi nhìn vào những cách thức mới để giao tiếp được với bộ não, tôi nghĩ rằng những điều như thế này cũng sẽ trở thành những lựa chọn mới thú vị cho con người", Southern nói.

"Tôi thấy rằng ý tưởng nâng cấp con người - mở rộng những khả năng và giác quan của chúng ta, vượt ra ngoài những gì chúng ta nghĩ là bình thường - rất thú vị".

Trở lại hiện tại, những người-máy tiến hóa nhất vào lúc này rõ ràng không hề giống như trong suy nghĩ của Musk, Zuckerberg hay bất kể ai trong giới thượng lưu công nghệ ở Thung lũng Silicon. Họ bây giờ là những người tàn tật như Bill, Stephen và Anne, với một bộ máy nhỏ bé trong não có chức năng giúp họ quay trở lại sống được như một con người bình thường.

Cập nhật: 11/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,73
  • 3.654