Các nhà khoa học Nga đã đề xuất bắn rơi tiểu hành tinh 1999 RQ36, sau khi cho rằng tiểu hành tinh bị Mặt Trời nung nóng này có thể thay đổi quỹ đạo và rơi xuống Trái Đất vào năm 2182.
Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ (IKI) của Nga cho rằng cần phải "bắn hạ" tiểu hành tinh 1999 RQ36, cùng một số tiểu hành khác có nguy cơ đe dọa Trái Đất, từ quỹ đạo một tiểu hành tinh khác.
Tiểu hành tinh 1999 RQ36. (Ảnh: Nasa)
Ý tưởng trên nảy sinh khi các nhà khoa học Nga nghiên cứu tiểu hành tinh Apophis năm 2004, và phát hiện nó có nguy cơ va chạm Trái Đất vào năm 2036. Mặc dù khả năng này hiện đã được loại trừ, song nguy cơ này lại được thấy ở tiểu hành tinh 1999 RQ36.
IKI nhận thấy thông qua Apophis có thể tránh được nguy cơ 1999 RQ36 rơi xuống Trái Đất. Theo các nhà nghiên cứu, có thể phóng một tàu vũ trụ từ Trái Đất lên Apophis, rồi sử dụng lực hấp dẫn hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho tiểu hành tinh, khi bay ngang Trái Đất, nó sẽ thay đổi quỹ đạo và cuối cùng rơi trúng vào tiểu hành tinh 1999 RQ36.
Hiện Nga đang nghiên cứu ý tưởng lập ra một loạt tiểu hành tinh vũ trụ và bố trí những tiểu hành tinh nhỏ này sao cho khi xuất hiện “kẻ thù” nguy hiểm, có thể lựa chọn tiểu hành tinh thích hợp nhất và bắn trúng mục tiêu.
Phương pháp này nghe có vẻ bất thường, nhưng theo các chuyên gia, ý tưởng này hoàn toàn khả thi về cấp độ kỹ thuật và không đòi hỏi bất cứ đột phá công nghệ và cách mạng khoa học nào.
Tiểu hành tinh gần Trái Đất 1999 RQ36 thuộc nhóm Apollo có đường kính trung bình 510 mét, nếu rơi trúng Trái Đất, sẽ gây vụ nổ tương đương với 2.700 megaton TNT, tương đương hơn 200 vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.