Đầu tuần trước, thông tin về một tiểu hành tinh mang tên 1999 RQ36 có thể va chạm với Trái Đất vào năm 2182 đã làm dấy lên tin đồn về ngày tận thế. Nhưng chúng ta có thể yên tâm, vì một nhóm các nhà khoa học đã để mắt đến tiểu hành tinh này từ năm 2007 và một kế hoạch khảo sát nó để tìm cách đối phó đã được vạch ra.
Nguy cơ chưa rõ ràng
Với đường kính xấp xỉ 580m và khoảng cách 450.000km trong quỹ đạo Trái Đất, RQ36 được NASA xếp vào nhóm các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm.
Dự báo do Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) đưa ra tuần trước cho thấy, khả năng tiểu hành tinh này va chạm với Trái Đất trong vòng 190 năm tới là gần 1/1.000, trong đó, nguy cơ cao nhất là năm 2182.
Kích thước của RQ36 không đủ để phá hủy toàn bộ nền văn minh nhân loại, nhưng vụ va chạm, nếu xảy ra, cũng có thể tương đương với hàng trăm quả bom nguyên tử mạnh nhất hiện có, tạo thành một hố có đường kính khoảng 10km.
Mô hình tàu vũ trụ khảo sát tiểu hành tinh. (Ảnh: Bee)
Tuy nhiên, nguy cơ va chạm vẫn chưa rõ ràng, vì đường đi của RQ36 phụ thuộc rất nhiều vào hiệu ứng Yarkovsky (xảy ra khi một vật thể hấp thụ ánh sáng mặt trời).
Cho đến nay, các trạm quan sát mặt đất vẫn chưa xác định được hiệu ứng Yarkovsky, nên phần lớn các dự báo về nguy cơ va chạm với các tiểu hành tinh chưa tính đến yếu tố này. Điều đó có nghĩa là những mối đe dọa đang được cảnh báo như RQ36 có thể không gây nguy hiểm cho Trái Đất...
Để Trái Đất không bị bất ngờ
Chính vì sự không chắc chắn nói trên mà Đại học Arizona đã đề xuất việc phóng tàu khảo sát RQ36 vào năm 2016. Nhiệm vụ của chuyến đi là lập bản đồ để xác định thành phần khoáng chất và hóa học của tiểu hành tinh.
Ngoài ra, con tàu cũng sẽ tiếp cận, thu thập các mẫu bề mặt RQ36 mang về Trái Đất. Các nhà khoa học hy vọng, chuyến đi sẽ giúp họ lần đầu tiên tính toán chính xác hiệu ứng Yarkovsky, đồng thời hiểu thêm về cấu trúc tiểu hành tinh.
Những kết quả này vô cùng quan trọng, vì nó giúp xác định RQ36 là mối đe dọa thực sự cho Trái Đất hay chỉ là "khách qua đường"...