Nga phát hiện nơi "yên nghỉ" của tàu đổ bộ Mars 3 trên sao Hỏa

Giới đam mê thiên văn tại Nga đã vừa phát hiện nơi "yên nghỉ" của một vật thể được cho là tàu thăm dò Mars 3 của Xô Viết từng hạ cánh lên bề mặt sao Hỏa vào năm 1971. Với các hình ảnh gởi về từ vệ tinh thăm dò Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) của NASA, một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất là 4 thành phần của tàu, bao gồm dù giảm tốc và mô-đun hạ cánh.

Các sứ mạng khám phá hành tinh đỏ Mars 2 và Mars 3 của Xô Viết trước đây sử dụng 2 con tàu giống nhau, mỗi tàu được trang bị một bộ mô-đun vận chuyển/tiếp cận quỹ đạo và mô-đun hạ độ cao/đổ bộ. Mars 3 được phóng vào ngày 28 tháng 5 năm 1971 từ Baikonur Cosmodrome - trạm phóng tàu vũ trụ đầu tiên và lớn nhất thế giới và hạ cánh xuống sao Hỏa vào ngày 2 tháng 12 cùng năm. Trong khi tàu Mars 2 đã biến mất khi giảm độ cao bởi một cơ bão bụi quét qua hành tinh thì Mars 3 vẫn sống sót và nó đã ghi tên mình vào sách kỷ lục khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công trên sao Hỏa. Nhưng thật không may, thành công chỉ dừng lại ở khía cạnh hạ cánh bởi con tàu đã hỏng ngay sau đó 2 phút.


Hình ảnh từ MRO cho thấy những dấu vết về Mars 3.​

Vitali Egorov, lãnh đạo cộng đồng mạng (Vk.com) lớn nhất tại Nga về sứ mạng Curiosity đã công bố rằng Mars 3 có thể đã được tìm thấy bởi các thành viên của trang web. Cộng đồng thiên văn này ngay sau đó đã tìm kiếm một tấm hình có độ phân giải 1,8 tỉ px được chụp bởi camera HiRISE trên MRO vào tháng 11 năm 2007 về một khu vực nơi tàu Mars 3 đã hạ cánh. Dựa trên các mô hình do Egorov dựng lại về những thành phần phần cứng của Mars 3, khả năng có 4 thành phần được phát hiện.

Egorov nói: "Tôi muốn thu hút sự chú ý của mọi người vào một thực tế rằng sứ mạng khám phá sao Hỏa ngày nay đều khả thi đối với bất cứ ai. Trong cùng một lúc, chúng tôi đã có thể kết nối với lịch sử của đất nước tôi, một sự kiện diễn ra cách đây rất nhiều năm thông qua những hình ảnh từ tàu Mars Reconnaissance Orbiter".


Một hình ảnh khác về Mars 3.​

Alexander Basilevsky đến từ viện địa hóa học và hóa học phân tích Vernadsky, Moscow kiêm cố vấn của nhóm thiên văn đã liên hệ với nhà nghiên cứu hệ thống HiRISE của MRO - Alfred McEwen đến từ đại học Arizona, Tucscon để gợi ý về một hình ảnh kế tiếp được chụp vào ngày 10 tháng 3 năm 2013. Hình ảnh mới về vật thể có vẻ sáng hơn - khả năng là được chiếu sáng tốt hơn nhờ bề mặt nghiêng của vật thể hoặc lớp bụi bên trên đã bị thổi bay để lộ ra các thành phần sáng, chẳng hạn như dù giảm tốc.

Nhóm nghiên cứu tìm ra 4 thành phần của mô-đun hạ độ cao/đổ bộ, trong đó bao gồm một chiếc dù giảm tốc với phần lộ ra dài 7,5 m/11 m, một tấm khiêng chống nhiệt, mô-đun hạ độ cao và cả con tàu đổ bộ Mars 3.


Hình ảnh phác thảo của Mars 3.​

"Khi kết hợp cùng nhau, bố cục của các thành phần nằm trên mặt đất cho thấy một sự liên quan đáng ngạc nhiên đối với những gì chúng ta có thể dự đoán khi Mars 3 hạ cánh, tuy nhiên cũng không loại trừ những lý giải khác cho các thành phần này. Việc phân tích dữ liệu và các hình ảnh tiếp theo để hiểu rõ hơn về hình dạng 3 chiều của vật thể sẽ làm sáng tỏ mọi thắc mắc", McEwen nói.

Mô-đun hạ độ cao/đổ bộ được kết nối với quỹ đạo trong quá trình Mars 3 "trôi" từ Trái đất đến sao Hỏa. Phần còn lại của mô-đun sẽ nằm trong quỹ đạo nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khí tượng và chuyển tiếp dữ liệu từ tàu đổ bộ. Về phần tàu đổ bộ, nó có hình khối cầu đường kính 1,2 m với 4 chân đáp hình tam giác tự động mở sau khi hạ cánh để lộ ra 2 camera truyền hình, một phổ kế khối lượng và các cảm biến nhiệt/gió. Con tàu cũng mang theo một chiếc cột gắn huy hiệu Xô Viết.


Tàu tự hành Prop-M.​

Một điểm đáng chú ý khác trong lịch sử của tàu Mars 3 là nó còn được trang bị xe tự hành đầu tiên trên sao Hỏa có tên Prop-M. Đây là một robot nặng 4,5 kg được buộc với tàu đổ bộ bằng một sợi cáp giao tiếp dài 15 m. Prop-M được thiết kế để có thể "đi bộ" bằng 2 chiếc ván trượt (hình trên) và nó sẽ di chuyển trong tầm quan sát của các camera truyền hình trong khi thực hiện việc đo đạt với xuyên độ kế động lực và mật độ kế bức xạ tích hợp trên tàu.

Sau 3 phút giảm độ cao vào ngày 2 tháng 12 năm 1971, Mars 3 đã đáp xuống bằng dù và tên lửa hãm tốc tại miệng núi lửa Ptolemaeus. 90 giây sau khi hạ cánh, lớp vỏ dạng cánh hoa bảo vệ bên ngoài mở ra và tín hiệu vô tuyến bắt đầu được truyền lúc 1:52:05 GMT nhưng mất tín hiệu vào 1:52:25 PM GMT. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Mars 3 đã cố gắng gởi đi một hình ảnh góc rộng được chụp trong điều kiện ánh sáng thấp và không rõ chi tiết. Sự hư hỏng có thể là do cơn bão bụi khổng lồ quét trên toàn sao Hỏa đã tạo nên một điện tích tĩnh và hiện tượng phóng điện vầng quang đã phá hủy trang thiết bị điện tử bên trong tàu.


Đoạn phim tài liệu về sứ mạng Mars 2, Mars 3 của Xô Viết.

Cập nhật: 29/11/2018 Theo Tinh Tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video