Kính viễn vọng Spektr-RG được kỳ vọng có thể phát hiện 3 triệu hố đen siêu lớn cùng 100.000 cụm thiên hà mới trong thời gian hoạt động.
Tên lửa đẩy Proton-M của Nga hôm 13/7 đã rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, mang theo kính viễn vọng không gian Spektr-RG lên quỹ đạo với nhiệm vụ lập bản đồ tia X trên bầu trời, Cơ quan Vũ trụ Nga cho biết. Spektr-RG, đồng phát triển bởi Đức, được tạo ra để thay thế Spektr-R, đài quan sát không gian được ví như "Hubble của Nga" đã bị mất kiểm soát hồi đầu năm nay.
Tên lửa đẩy đưa kính viễn vọng không gian mới của Nga rời bệ phóng. (Ảnh: AFP).
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 21/6 nhưng bị trì hoãn hai lần do sự cố về pin. Bên cạnh nhiệm vụ lập bản đồ tia X toàn bộ bầu trời với độ phân giải cao, kính viễn vọng không gian mới, nặng hơn 2,7 tấn, sẽ đảm nhận những nhiệm vụ trước đây của Spektr-R, bao gồm quan sát hố đen, sao neutron, từ trường và tìm hiểu sự giãn nở của vũ trụ.
"Kính viễn vọng không gian Spektr-RG sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong ngành thiên văn học tia X có lịch sử hơn 55 năm", Cơ quan Vũ trụ Nga nhấn mạnh. "Dự án sẽ cho phép quan sát quanh năm gần như toàn bộ thiên thể trên bầu trời".
Nhiệm vụ nghiên cứu của kính viễn vọng Spektr-RG được thiết lập kéo dài trong 6 năm rưỡi, bao gồm 4 năm quét bầu trời và 2 năm rưỡi dành cho việc quan sát các vật thể không gian theo chỉ thị của cộng đồng khoa học quốc tế. Nó sẽ mất vài tháng để đi vào vị trí quan sát cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km. Dự kiến, Spektr-RG sẽ phát hiện khoảng 3 triệu hố đen siêu lớn và khoảng 100.000 cụm thiên hà kéo dài trên vũ trụ trong suốt thời gian hoạt động của nó.